Từ năm 1997 Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án nguồn điện theo hình thức BOT (dự án nhà máy BOT nhiệt điện Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2). Đây được đánh giá là những dự án BOT thành công, mang lại lợi ích cho cả nước chủ nhà và các nhà đầu tư; góp phần bảo đảm cung cấp điện và phát triển ngành công nghiệp khí đốt của Việt Nam.
Ngoài các dự án trên, Bộ Công Thương cũng đang chủ trì đàm phán phát triển nhiều dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, quá trình đàm phán các dự án đang bị chậm, có dự án được giao thực hiện gần 10 năm, đến nay vẫn chưa đóng được tài chính để khởi công xây dựng công trình. Sau hơn 10 năm, ngoài dự án Mông Dương 2 đang xây dựng, hoàn thành trong năm nay, chưa có dự án nào được khởi công tiếp theo.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, các dự án nhà máy điện BOT dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong hệ thống điện Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và các năm sau, việc chậm trễ của các dự án này có thể ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi văn bản số 1604/TTg-KTN ngày 12/9/2011 về một số nội dung chủ yếu trong Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ đối với các Dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT để xây dựng khuôn khổ pháp lý chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán các hợp đồng, theo hướng: Về tỷ lệ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, Chính phủ chỉ bảo lãnh cho chuyển đổi thành Đô la Mỹ đối với 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam. Đối với 70% nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ còn lại, Công ty BOT thực hiện việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ hỗ trợ để có đủ nguồn ngoại tệ cho Công ty BOT khi cần thiết.
Về luật áp dụng, đưa ra quy định chung cho cả bộ hợp đồng BOT và Bảo lãnh & Cam kết của Chính phủ (GGU). Bổ sung quy định về các loại thuế theo quy định pháp luật hiện hành về thuế của Việt Nam. Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính về công thức tính toán cho việc thanh toán trong trường hợp chấm dứt sớm của các dự án, có dự tính lợi nhuận kỳ vọng phải bồi thường khi chấm dứt sớm do lỗi của bên Việt Nam.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương hướng dẫn chủ đầu tư Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chuẩn bị các điều kiện cần thiết theo quy định để khởi công Dự án trong tháng 5/2015. Bộ Tư pháp trên cơ sở nội dung bản Ý kiến pháp lý đã được thỏa thuận, ký tắt năm 2012; khẩn trương rà soát, cấp Ý kiến pháp lý cho dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 để Dự án có thể đóng tài chính, khởi công xây dựng vào đầu tháng 5/2015, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực phía Nam giai đoạn 2018 - 2020.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng BOT các dự án đã gần hoàn thành đàm phán, chuẩn bị ký tắt hợp đồng mua bán điện với EVN: Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3 và Vân Phong 1.
Bộ Công Thương cần khẩn trương làm việc với các nhà đầu tư để rà soát, sớm hoàn thiện, ký tắt các Tài liệu Dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2 trong quý II/2015. Đối với Dự án nhiệt điện Nam Định 1, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và chủ đầu tư sớm ký hợp đồng mua bán than; hoàn thành đàm phán các hợp đồng, thực hiện các bước theo quy định, hoàn thành việc đóng tài chính và khởi công xây dựng công trình trong năm 2015.
Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra, đôn đốc và có báo cáo tổng hợp tình hình về các dự án nhà máy nhiệt điện độc lập (IPP): Công Thanh, Thăng Long,… để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII, làm cơ sở xác định tiến độ các dự án nguồn điện nói chung, các dự án nguồn điện đầu tư các dự án BOT nói riêng, làm cơ sở ký Bản ghi nhớ phát triển dự án (MOU) và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các Dự án nhiệt điện BOT./.
|