Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khắc phục điểm nghẽn tài chính trong khoa học công nghệ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 20/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Trong đó, vấn đề cơ chế hỗ trợ tài chính để các dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) ứng dụng cao trong thực tiễn được đặc biệt quan tâm.

Chưa giải được bài toán thị trường khoa học công nghệ

Nhận định việc sửa đổi bổ sung Luật KH&CN lần này đã giải quyết được nhiều bất cập, có những biện pháp đổi mới trong việc phát triển KH&CN, thể hiện rõ nhất ở cơ chế tài chính. Tuy nhiên, các ĐBQH cho rằng cơ chế tài chính cho KHCN còn nặng về việc cấp phát và quản lý nguồn kinh phí Nhà nước cho các tổ chức KH&CN công lập, chưa có các cơ chế đủ mạnh để huy động các nguồn lực xã hội, chưa giải được bài toán về thị trường KH&CN. Các ĐB cho rằng, cần có các biện pháp thúc đẩy để các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế thực hiện nghiên cứu hoặc đặt hàng các tổ chức KH&CN. Theo ĐB Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh), phải để KH&CN xem doanh nghiệp là một trong những động lực chính để nghiên cứu phát triển, đồng thời quá trình hợp tác công - tư phải là một trong những nền tảng. Có như vậy cung - cầu về KH&CN mới gặp nhau.

Khắc phục điểm nghẽn tài chính trong khoa học công nghệ - Ảnh 1

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Điền

Mức chi 2% từ ngân sách cho phát triển KH&CN cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Đồng tình với quy định này, tuy nhiên, ĐB Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định) cho rằng: Điều cần thiết hơn là đưa ra được quy chế, chế tài để phân bổ nguồn vốn ngân sách thế nào cho hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất. Ở một hướng nhìn khác, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đắk Nông) không đồng tình, bởi nếu giữ mức tổng chi 2% khó đảm bảo phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu. ĐB cho đề xuất, luật cần có quy định mang tính mở về cơ chế tài chính, khi thực hiện đề tài khoa học phải chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận thất bại.

Cần cơ chế ưu đãi

Hoạt động KH&CN đòi hỏi đầu tư cao cả về thời gian, công sức, trí tuệ, kinh phí nhưng có tính rủi ro cao, chính vì vậy việc bổ sung các quy định ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu KH&CN là hết sức cần thiết. ĐB Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) cho rằng, cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn các cơ chế ưu đãi cho hoạt động KH&CN, đồng thời tạo sự công bằng cho các tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập. Bên cạnh đó, dự thảo cần bổ sung chính sách khen thưởng hỗ trợ các tổ chức cá nhân có phát minh, sáng chế và đăng ký cấp quốc gia, quốc tế, nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ hơn đối với các hoạt động KH&CN.

Các ĐB cũng góp ý, việc quy định về thành lập tổ chức hoạt động của doanh nghiệp KH&CN là một điểm mới, quan trọng trong lần sửa đổi này. Tuy nhiên, quy định vẫn chưa rõ ràng và cần làm rõ sự khác biệt giữa doanh nghiệp này với các loại hình doanh nghiệp khác để tránh việc lợi dụng để hưởng ưu đãi.

Nhiều ĐB cũng đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng chảy máu chất xám trong KH&CN hiện nay. Dẫn ra ví dụ, cả nước có hơn 24.000 tiến sĩ, 100.000 thạc sĩ nhưng khi cần vẫn thiếu các "tổng công trình", các ĐB đề nghị cần sửa đổi biện pháp mang tính đột phá về mức đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và thu hút nhân tài, nếu không chỉ vài năm nữa Việt Nam sẽ thiếu trầm trọng đội ngũ cán bộ trẻ nghiên cứu khoa học. Các ý kiến cũng đề xuất, bổ sung khoa học nghiên cứu về khoa học xã hội, khoa học nhân văn, các công trình nghiên cứu liên quan đến công nghệ thông tin truyền thông, vật liệu mới, sinh học... vào Dự thảo.