Tại hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” diễn ra ngày 10/3 do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển, ngành công nghiệp trong nước cũng bộc lộ nhiều hạn chế, đang ở trình độ thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều vào DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước thiếu chặt chẽ.
Bên cạnh đó, năng suất lao động công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo còn ở mức thấp; Tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%/năm.
Để khắc phục những hạn chế này, tại hội thảo, nhiều chuyên gia nêu ý kiến, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp để định hướng chính sách phát triển phù hợp. “Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay. Thay vào đó Chính phủ nên thực thi chính sách ưu tiên phát triển một số lĩnh vực phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước” - ông Vũ Thành Tự Anh (Trường đại học Fulbright Việt Nam) chia sẻ quan điểm.