Ghi nhận cho thấy, trên địa bàn huyện Quốc Oai hiện còn 3 vùng dân cư bị cô lập tại 3 xã với tổng số 386 hộ (1.609 nhân khẩu). Trong đó, xã Liệp Tuyết có số hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất với 180 hộ, tiếp đến là xã Cấn Hữu 116 hộ và xã Phú Cát 90 hộ. Mưa lũ khiến nhiều hộ dân vẫn đang phải trú tránh tạm thời tại nhà người thân chờ nước rút. Đời sống và sản xuất của người dân bị gián đoạn.
Ngày 23/7, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc Trần Văn Chung làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác đảm bảo y tế tại vùng ngập, úng huyện Chương Mỹ. Tại buổi kiểm tra, ông Trần Văn Chung yêu cầu các đơn vị y tế tuyến cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ như các bệnh về da, mắt, đường tiêu hóa, các trường hợp tai nạn thương tích như điện giật, đuối nước...; các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết... Tính đến 23/7, Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ đã cấp cho 11 xã có các gia đình bị ngập úng nặng các hóa chất để xử lý nước ăn gồm 250 gói CloraminB tương đương 25kg; 240 gói phèn chua tương đương 24kg. (Hà Ngân) |
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết, những ngày qua, địa phương đã phải huy động 18 phương tiện và 210 người thuộc các lực lượng hỗ trợ 157 hộ dân vận chuyển đồ đạc lên cao tránh ngập úng, di chuyển tài sản đến nơi trú tránh an toàn. Cùng với nhà dân bị ngập, tại xã Nam Phương Tiến còn có 3 trường học, 4 đình làng, 3 ngôi chùa, 1 trạm y tế và nhiều tuyến đường giao thông bị ngập.
Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm, vài năm trở lại đây, cùng với xã Nam Phương Tiến, năm nào địa phương cũng phải hứng chịu ít nhất một đợt ngập lụt do mưa lũ. Với tình hình hiện nay, phải ít nhất 15 - 20 ngày nữa, nước lũ mới rút hết. Khi đó, người dân mới có thể trở lại ổn định cuộc sống.
Bên cạnh hai trọng điểm chịu thiệt hại do mưa lũ đợt này là Chương Mỹ và Quốc Oai, ngập lụt cũng khiến gần 6.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả thuộc các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Thạch Thất… bị ảnh hưởng. Trong đó, hàng nghìn hécta đã bị ngập trắng, có nguy cơ phải nhổ bỏ. Hiện, các địa phương vẫn đang vận hành 298 trạm bơm với 1.096 máy bơm, tổng công suất trên 2,8 triệu m3/h, tích cực tiêu thoát nước, chống úng ngập cho cây trồng.
Chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ Nhân dânNhững ngày mưa lũ đi qua, cùng với bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền các địa phương đã tập trung hỗ trợ bước đầu để cuộc sống của cư dân vùng úng ngập không bị xáo trộn quá nhiều. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết, hiện, địa phương đang chỉ đạo các xã Phú Cát, Cấn Hữu, Liệp Tuyết hỗ trợ nước uống đóng bình và một số dụng cụ thiết yếu khác. Đồng thời, chủ động phương án trợ giúp, đảm bảo an toàn đối với các hộ dân vùng ngập úng.
Tại huyện Chương Mỹ, trong ngày hôm qua, địa phương cũng đã tổ chức hỗ trợ người dân vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ tổng số 340 thùng mỳ tôm, 250 cây nến, 847 thùng nước và 1,2 tấn gạo. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng, trong thời gian này, địa phương rất mong nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nhằm giúp đỡ kịp thời người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống…
Trước những hậu quả nặng nề mà mưa lũ gây ra trên địa bàn TP, ngày 23/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký ban hành Công điện số 02 chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3 và chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ thời gian tới. Theo đó, đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương kiểm tra, rà soát tổng hợp tình hình ngập úng trên địa bàn; tập trung khắc phục, phục hồi sản xuất, tổng vệ sinh môi trường trường học, khu dân cư, trạm y tế… bị ngập nước. Khắc phục hư hỏng nhà cửa, ngập úng nội thành. Sửa chữa hệ thống điện, bảo đảm cấp đủ điện thực hiện nhiệm vụ tái thiết sau thiên tai. Đồng thời, chủ động khơi thông dòng chảy, thực hiện phương án tiêu thoát nước nội đô. Tập trung vận hành hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ tiêu úng cho khu vực ngoại thành, nhất là diện tích lúa mới cấy của bà con nông dân.
UBND TP cũng nhấn mạnh các địa phương cần tập trung trợ giúp các hộ dân vùng ngập úng, nhất là những gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định đời sống. Đồng thời, chủ động bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ Nhân dân vùng ngập úng khắc phục hậu quả theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.