Sau một tháng ra quân thực hiện kế hoạch về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, vỉa hè, các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn huyện, lực lượng liên ngành huyện Gia Lâm đã xử phạt hành chính hàng trăm vụ vi phạm với số tiền hàng trăm triệu đồng, lập lại trật tự lòng đường vỉa hè ở nhiều tuyến phố quan trọng. Tuy nhiên, để duy trì được trật tự lòng đường, vỉa hè một cách lâu dài, cần sự vào cuộc đồng loạt, thống nhất của các cấp, ngành địa phương và cơ quan chức năng.
Thực hiện theo 4 bước
Theo Ban chỉ đạo 197 huyện Gia Lâm, ngay sau khi có Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 197 ngày 3/3/2017 của Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự xây ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, vỉa hè, các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn TP và các kế hoạch triển khai của Công an TP Hà Nội, Ban chỉ đạo 197 huyện Gia Lâm đã xây dựng các văn bản bao gồm Kế hoạch số 02/KH-BCĐ và Kế hoạch số 20/KH-CAGL-TH để thực hiện và quán triệt kỹ tới tất cả thành viên Ban chỉ đạo huyện và UBND các xã, thị trấn.
Đoàn kiểm tra liên ngành BCĐ 197 huyện Gia Lâm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị tại tuyến đường Quốc lộ 5, khu vực Gia Lâm. |
Tiếp đó, Ban tổ chức hội nghị quán triệt và thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành gồm các lực lượng: Công an, Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng và Quản lý đô thị của huyện. Chỉ riêng Công an huyện cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành để đôn đốc việc thực hiện. Trong các ngày từ 1 – 3/4/2017, các lực lượng đồng loạt ra quân tại tất cả các tuyến phố chính trên địa bàn huyện Gia Lâm. Các bước triển khai thực hiện theo trình tự 4 bước, bao gồm: Tuyên truyền vận động; Tổ chức kiểm tra, giải quyết, đôn đốc, xử lý; Phân công lực lượng ra quân duy trì sau giải tỏa và cuối cùng là chỉnh trang các tuyến đường.
Kết quả sau 1 tháng ra quân, Công an huyện đã tổ chức tuyên truyền và ký cam kết trên 12 tuyến đường trục chính của huyện và với 1.475 tập thể, cá nhân; đồng thời nhắc nhở 300 lượt hàng quán ăn đến bán hàng quán quá giờ quy định và vi phạm về trật tự đô thị, phạt hành chính gần 30 triệu đồng. 2 đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản xử lý 15 trường hợp với số tiền phạt 35 triệu đồng; sau khi xử phạt đã giao cho các đồn Công an và Công an các xã, thị trấn tiếp tục duy trì trật tự đô thị, không để tái diễn vi phạm.
Đường Cổ Bi, huyện Gia Lâm phong quang sạch đẹp sau khi thực hiện kế hoạch xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè. |
Đối với các lực lượng chức năng, Thanh tra giao thông huyện đã kiểm tra, xử phạt hành chính 20 trường hợp với số tiền gần 70 triệu đồng; Công an huyện và Công an thị trấn, đồn Công an đã kiểm tra xử phạt hành chính 253 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 51 triệu đồng, thu 228 biển quảng cáo 2 chân, ô dù, ma nơ canh; dỡ bỏ trên 400 mái che, mái vẩy...
Cần sự vào cuộc đồng bộ của các xã, thị trấn
Ông Phạm Quang Hưng – Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp, Công an huyện Gia Lâm cho biết, mặc dù việc xử lý vi phạm đã cơ bản triệt để nhưng ở một số tuyến đường như đường Đặng Phúc Thông, đường Ninh Hiệp… do không có vỉa hè nên vẫn còn tình trạng mua bán hàng hóa ở lòng lề đường. Về việc này, lực lượng chức năng kiến nghị bố trí một điểm đỗ xe để hạn chế vi phạm.
Bên cạnh đó, một số tuyến đường chưa có biển báo cấm nên khó cho quá trình kiểm tra, xử lý; một số hộ kinh doanh mặt đường ý thức chấp hành còn yếu nên sau khi lực lượng chức năng đi khỏi lại tái diễn vi phạm; việc xử lý đối với các hộ kinh doanh hoa quả như dừa, dưa hấu gặp nhiều khó khăn trong bảo quản, xử lý.Do vậy, Ban chỉ đạo 197 huyện kiến nghị UBND huyện Gia Lâm sớm có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải cắm bổ sung biển báo cấm dừng, đỗ phương tiện theo đề xuất của Đội thanh tra giao thông vận tải và các địa phương; đồng thời chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo các ngành, đoàn thể liên quan vào cuộc quyết liệt thực hiện Kế hoạch 02 của BCĐ 197 huyện, nhất là việc giải quyết mái che, mái vẩy tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm thương mại, chợ…