Kinhtedothi - Ngày 3/10, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo về các Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng 2014 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Để Luật đi vào cuộc sống cần có hệ thống văn bản pháp quy để hướng dẫn thực hiện cho các hoạt động. Theo đó, sẽ có 6 nghị định được ban hành để hướng dẫn thi hành Luật tại các lĩnh vực: Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Quy hoạch xây dựng, Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Hợp đồng xây dựng và Xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Vẫn còn những khoảng trống
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh nhiều kết quả khả quan đã đạt được, trong quản lý đầu tư xây dựng còn có nhiều hạn chế, yếu kém, đòi hỏi tiếp tục thay đổi. Đó là tình trạng thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, chất lượng một số công trình chưa cao, chưa an toàn, còn để xảy ra sự cố; đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, kém hiệu quả. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở nhiều địa phương vẫn còn, chưa có biện pháp, giải pháp hữu hiệu để xử lý, đặc biệt là ở những đô thị lớn, tập trung dân cư đông, nơi diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh. Đây là những vấn đề gây bức xúc trong xã hội.
Theo Bộ trưởng, hệ thống pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ. Nhiều luật điều chỉnh cùng một vấn đề đã gây sự chồng chéo, và những khoảng trống. Quy hoạch làm xong, không thực hiện; quy hoạch còn thiếu, chưa đi trước một bước, chưa trở thành công cụ trong quản lý. Có quy hoạch chung nhưng thiếu các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, dẫn đến đầu tư thiếu đồng bộ, tạo áp lực về hạ tầng, giao thông, môi trường, giảm hiệu quả trong đầu tư vốn. Bộ trưởng cho rằng, có quy hoạch thì phải có kế hoạch thực hiện. Quy hoạch đã có nhưng nếu như 10 năm sau mới thực hiện thì phải để dân có hướng sử dụng đất phù hợp trong thời gian chưa làm dự án.
Hình thành lộ trình gỡ quy hoạch "treo"
Theo phân tích của cơ quan soạn thảo, Nghị định về Quy hoạch xây dựng đang được hoàn thiện nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác này đã tồn tại trong nhiều năm qua, đáp ứng các yêu cầu mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Luật đã bổ sung các quy định cần thiết liên quan đến thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch xây dựng nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của quy hoạch xây dựng, góp phần khắc phục tình trạng quy hoạch "treo", cũng như việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân.
Quy định về quy hoạch xây dựng được sửa đổi, bổ sung hướng tới mục tiêu khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt để các hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo đúng quy hoạch và kế hoạch. Trong đó, có bổ sung các quy định về quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng. Quy định mới cũng yêu cầu các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện quy hoạch. “Lộ trình để khắc phục quy hoạch "treo" đang từng bước được xây dựng” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, thời gian qua, chính việc lập kế hoạch nhưng thiếu kế hoạch thực hiện, đặc biệt là kế hoạch vốn, khiến cho nhiều đồ án trở thành quy hoạch "treo", thiếu tính khả thi. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây bức xúc.
Khu Nam Trung Yên vẫn còn nhiều khu đất chưa được xây dựng. Ảnh: Quỳnh Anh
Theo Dự thảo Nghị định về Quy hoạch xây dựng, phải xác định danh mục, trình tự triển khai các quy hoạch xây dựng các cấp độ theo kế hoạch 5 năm và hàng năm. Đồng thời, xác định danh mục và thứ tự đầu tư các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở các giai đoạn quy hoạch theo các kế hoạch 5 năm và hàng năm; dự kiến nhu cầu vốn từng giai đoạn đầu tư, xác định khả năng huy động nguồn lực thực hiện cũng theo kế hoạch 5 năm và hàng năm. |