Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai mạc cuộc họp của Ủy ban Thường trực ICAPP

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuộc họp lần thứ 19 Ủy ban Thường trực của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) do Đảng Cộng sản Việt Nam đăng cai tổ chức đã khai mạc sáng 25/4, tại Hà Nội.

Hội nghị có 37 đoàn đại diện Lãnh đạo các đảng cầm quyền, đảng chính trị lớn của các nước châu Á, các quan sát viên và khách mời, các tổ chức khu vực và quốc tế thuộc 26 quốc gia trên thế giới tham dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân nhấn mạnh, với đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã không ngừng mở rộng quan hệ với các nước.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 180 nước; trong đó đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước, có quan hệ kinh tế, thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; quan hệ đầu tư với gần 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của tất cả các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế lớn. Các mối quan hệ đối ngoại của Đảng cũng không ngừng được mở rộng. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ ở các mức độ khác nhau với 206 đảng ở 115 nước trên thế giới.

Là một Đảng cách mạng có hơn 80 năm tôi luyện và trưởng thành, với những thành tựu và kinh nghiệm của hơn 26 năm đổi mới, Việt Nam đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, tự tin thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới để đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
 
Khai mạc cuộc họp của Ủy ban Thường trực ICAPP - Ảnh 1
 
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân phát biểu tại Phiên khai mạc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
 

Đánh giá vai trò và ảnh hưởng của ICAPP trong 13 năm qua, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho biết các diễn đàn, hội nghị của ICAPP đã thực sự tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau thúc đẩy hợp tác giữa các chính đảng trong và ngoài khu vực, một yếu tố quan trọng góp phần tăng cường sự liên kết trong khu vực, thúc đẩy hợp tác khu vực và giải quyết xung đột thông qua vai trò đặc biệt của các đảng chính trị.

Việt Nam đánh giá cao và ghi nhận vai trò quan trọng của Ủy ban Thường trực ICAPP - cơ quan điều hành của ICAPP, đã có nhiều sáng kiến và hoạt động thiết thực, định hướng các hoạt động ICAPP đi vào phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Việt Nam cũng mong muốn và hoan nghênh các sáng kiến nhằm tăng cường tính chặt chẽ trong hoạt động của ICAPP, các cơ chế, nguyên tắc trong hoạt động nhằm củng cố tính bền vững của ICAPP, đưa các hoạt động của ICAPP ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn, thiết thực hơn và hiệu quả hơn.

Ông Hoàng Bình Quân nêu rõ, trong các mối quan hệ đối ngoại, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương chủ động, tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương chính đảng. Riêng đối với ICAPP, chủ trương thúc đẩy và củng cố quan hệ là một chính sách ưu tiên của Đảng. Việt Nam đã tham gia những hoạt động đầu tiên của ICAPP và trở thành Ủy viên Ủy ban Thường trực ICAPP từ tháng 9/2004.

Là một đất nước yêu chuộng hòa bình, một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng và phối hợp thực hiện những sáng kiến, đề xuất xây dựng, mong muốn có những đóng góp thiết thực vào hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Với tư cách là thành viên của Ủy ban Thường trực ICAPP, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy các mục tiêu chung của ICAPP, sẵn sàng chia sẻ những vận hội và thách thức chung, không ngừng tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác giữa các chính đảng trong khu vực, cùng nhau giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu lục.

Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á được hình thành từ tháng 9/2000 theo sáng kiến của ông Jôdê đờ Vơnêxia, nguyên Chủ tịch Hạ viện Philippines, nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy giữa các chính đảng châu Á, thúc đẩy hợp tác và tạo nhận thức chính trị chung giữa các đảng về các vấn đề của khu vực thông qua vai trò đặc biệt của các chính đảng trên chính trường các nước; tạo môi trường hoà bình và thịnh vượng chung trong khu vực.

Từ năm 2000 tới nay, ICAPP đã tổ chức được 7 hội nghị toàn thể (2 năm một lần), họp luân phiên tại các nước theo sự đăng cai của các đảng thành viên. Bên cạnh các hội nghị toàn thể, ICAPP còn tổ chức các hội thảo đặc biệt, các hội thảo chuyên đề, tập trung vào các vấn đề mang tính thời sự như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, vai trò của thanh niên, phụ nữ trong chính trị...

ICAPP hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và Hiến chương ICAPP, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc “thống nhất” và “đồng thuận.”

Mặc dù cơ cấu, bộ máy tổ chức, điều lệ hoạt động chưa thực sự chặt chẽ và không mang tính ràng buộc đối với các thành viên, ICAPP đang ngày càng có xu hướng hướng tới mô hình hoạt động giống như của một tổ chức quốc tế.

ICAPP đã hình thành được một số cơ chế thường trực nhằm điều phối các hoạt động chung, kể cả trong và giữa các kỳ Hội nghị toàn thể, xây dựng được các nguyên tắc hoạt động cơ bản trong Hiến chương ICAPP./.