Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai mạc Cuộc thi “Tự hào Việt Nam”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/11, T.Ư Đoàn phối hợp cùng Bộ GD&ĐT và Công ty Cổ phần trò chơi giáo dục...

Kinhtedothi - Sáng 8/11, T.Ư Đoàn phối hợp cùng Bộ GD&ĐT và Công ty Cổ phần trò chơi giáo dục trực tuyến Egame khai mạc Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” dành cho học sinh THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) trên cả nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong nhấn mạnh: Chỉ thị 42 ngày 24/3/2015 của của Ban Bí thư T.Ư Đảng đã xác định giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ là đầu tư cho tương lai của đất nước.
Các thí sinh tham dự cuộc thi.
Các thí sinh tham dự cuộc thi.
Với thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, hiểu lịch sử, văn hoá dân tộc, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp chúng ta biết về quá khứ, cội nguồn, qua đó nuôi dưỡng, vun đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, trách nhiệm với quê hương, đất nước. Lịch sử, văn hóa dân tộc sẽ là hành trang quý giá giúp mỗi thanh niên trong quá trình hội nhập giữ vững được bản sắc Việt, cốt cách tâm hồn Việt.

Theo Bí thư T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong: Nội dung của Cuộc thi “Tự hào Việt Nam” gồm những kiến thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam đã được dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông; các cột mốc lịch sử quan trọng của đất nước; các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sỹ, những người Việt Nam tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực qua các thời kỳ; những thành tựu trên các lĩnh vực của đất nước.

Cuộc thi gồm 2 phần. Phần thi trực tuyến cá nhân theo 3 vòng: vòng loại (từ ngày 8/11 - 5/12), vòng chung kết cấp tỉnh (ngày 13/12) và vòng chung kết toàn quốc (ngày 16 - 17/1/2016). Mỗi thí sinh sẽ trải qua 4 phần thi: Theo dòng lịch sử, Hành trình đến địa chỉ đỏ, Danh nhân đất Việt, Tự hào Việt Nam. Với ngân hàng câu hỏi phong phú, đa dạng, giao diện được thiết kế sinh động, dễ truy cập hứa hẹn sẽ mang đến sự hấp dẫn, kịch tính, bất ngờ cho người chơi.

Sau 4 tuần thi, tại mỗi tỉnh, TP, 85 thí sinh có điểm cao nhất, thời gian làm bài thi ngắn nhất sẽ tham dự vòng chung kết cấp tỉnh.

Thí sinh có điểm cao nhất, thời gian làm bài ngắn nhất của vòng chung kết tỉnh, thành phố được tham dự vòng chung kết toàn quốc (63 thí sinh/63 tỉnh, TP). 22 thí sinh có điểm số cao và thời gian làm bài thi ngắn nhất trong cả nước tại vòng chung kết cấp tỉnh (trừ 63 thí sinh đứng đầu của các tỉnh, TP) sẽ tham dự vòng chung kết toàn quốc.

Tổng số thí sinh dự thi vòng chung kết toàn quốc là 85 người. Phần thi sáng tác video clip bắt đầu từ ngày 8/11 đến ngày 31/12/2015. Tác giả dự thi có thể là cá nhân hoặc nhóm không quá 5 người sẽ hiện thực hóa những ý tưởng, sáng tạo, kỹ năng kết hợp với những hiểu biết của mình về lịch sử, văn hóa dân tộc để thực hiện vào tác phẩm và gửi về cho Ban Tổ chức. 5 video clip được bình chọn nhiều nhất trên website của Cuộc thi và 10 video clip do Hội đồng Giám khảo lựa chọn sẽ vào vòng chung khảo.

5 học sinh đạt giải cao nhất của Cuộc thi được nhận Bằng khen của T.Ư Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiền thưởng và 1 chuyến hành trình về nguồn. Giải thưởng cho phần thi video clip dành cho 10 video clip xuất sắc nhất và tỉnh, thành đoàn có số lượng video clip dự thi nhiều nhất. Ngay sau phần khai mạc, tại 63 tỉnh, TP trong cả nước đã đồng loạt tổ chức Cuộc thi trong học sinh THPT và TTGDTX.