Khai mạc Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội

Trần Long - Thủy Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 15. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.
Cùng chủ trì có các đồng chí: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Ban Đảng của T.Ư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các Ban Đảng của Thành ủy, Thành ủy viên, Bí thư các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP Hà Nội...
Mở đầu Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Hội nghị sẽ tập trung xem xét các nội dung chính. Trong đó, có báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng 9 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng an ninh 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm của TP. Dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Dự thảo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
Sẽ trình Bộ Chính trị Đề án chính quyền đô thị trong tháng 12/2018
Trình bày báo cáo tóm tắt về Đề án chính quyền đô thị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội gồm 4 phần: Sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng đề án; Thực trạng tổ chức chính quyền TP Hà Nội; Định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; Tổ chức thực hiện.
Mục tiêu chính của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội (đô thị đặc biệt). Trong đó, tập trung vào quản lý theo mô hình chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP Hà Nội và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn) theo Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020.
Đề án tập trung đề xuất, kiến nghị các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức bộ máy, hoạt động quản lý...) trong khu vực đô thị và từng bước đổi mới, củng cố khu vực nông thôn của TP Hà Nội; đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan T.Ư, TP và phân cấp giữa các cấp chính quyền TP; đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức Đảng, MTTQ, các đoàn thể ở cấp huyện, cấp xã trong điều kiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày báo cáo tóm tắt về Đề án chính quyền đô thị.
Theo đó, tổ soạn thảo đưa ra 2 phương án mô hình chính quyền đô thị: Phương án 1 là xây dựng mô hình 2 cấp chính quyền gồm TP và quận, huyện, thị xã; một cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn. Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức môt cấp chính quyền (TP), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, dự kiến sẽ báo cáo đề án với Bộ Chính trị vào tháng 12/2018, báo cáo Chính phủ quý I/2019 và trình Quốc hội xây dựng, ban hành Nghị quyết cho phép làm thí điểm quý IV/2019. Sau khi được thông qua, nếu thực hiện theo phương án 1 sẽ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại phường trước từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 và sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND xã, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2026 -2031. Còn nếu thực hiện theo phương án 2, sẽ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND xã, phường, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 20126 và sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND quận, huyện, thị xã từ đầu nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Tăng trưởng đạt 7,17%
Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 9 tháng năm 2018 của TP, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; thu hút đầu tư tiếp tục tăng mạnh; các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động tốt, đảm bảo cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh; giá cả hàng hóa và dịch vụ cơ bản ổn định; công nghiệp, thương mại và du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ; nông nghiệp phát triển tốt, hướng vào năng suất, chất lượng...
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 9 tháng năm 2018.
Theo số liệu ước tính của Cục Thống kê, GRDP trên địa bàn 9 tháng đầu năm tính theo phương pháp mới ước tăng 7,17% (cùng kỳ 6,87%). Trong đó, dịch vụ ước tăng 7,11% (cùng kỳ 6,48%); Công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,81% (cùng kỳ: 8,18%); Nông - lâm - thủy sản ước tăng 3,37% (cùng kỳ 2,34%). Trong 9 tháng qua, TP cũng đã ban hành Quyết định thành lập 5 CCN, hoàn thành thẩm định thành lập 6 CCN và đang tổ chức thẩm định 13 CCN. Cung ứng điện năng được đảm bảo tốt, không để thiếu hụt trong những đợt cao điểm.
Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội cũng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, ước 9 tháng đạt 10,51 tỷ USD, tăng 21,6% (cùng kỳ: 8,7%). Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 22,49 tỷ USD, tăng 6,5%, thấp hơn mức cùng kỳ (22,6%). Ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhất là khách quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm, TP đã đón 19,7 triệu lượt khách, tăng 9,2%, trong đó 4,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 57,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3%.
Việc thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được TP quan tâm chỉ đạo toàn diện. TP đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, đồng thời tích cực đôn đốc các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, TP đã tổ chức rà soát, phân loại để xử lý các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất chậm triển khai thực hiện gây bức xúc trong Nhân dân.
Theo đó, tổng vốn đầu tư xã hội 9 tháng đầu năm ước thực hiện 219,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,265 tỷ USD, gấp 5,4 lần cùng kỳ, tạm vượt lên đứng đầu cả nước. Các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 70 dự án, tổng mức đầu tư 162,7 nghìn tỷ đồng; có 41 dự án điều chỉnh quy mô vốn, tăng 86,3 nghìn tỷ đồng. Đối với các dự án PPP, TP đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 4 dự án, tổng mức đầu tư 14,4 nghìn tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 4 dự án, tổng mức đầu tư 13,9 nghìn tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2018, TP tiếp tục duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Số DN thành lập mới ước đạt 18,68 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký 204,53 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và 39% về vốn đăng ký, nâng tổng số DN trên địa bàn lên con số 248,75 nghìn DN.
Đến nay, TP có 4 huyện được công nhận huyện nông thôn mới và 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76,16%. Trong số 92 xã còn lại, có 56 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 36 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí, bình quân đạt 18 - 19 tiêu chí/xã. Dự kiến cuối năm 2018, có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 324/386, chiếm 83,94%; có thêm 4 huyện đạt chuẩn, nâng tổng số lên 8 huyện.
 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu tại hội nghị
Quản lý đô thị tiếp tục được đẩy mạnh
Trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị thời gian qua cơ bản được đảm bảo, phục vụ tốt các dịp lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Giao thông công cộng được quan tâm đầu tư và quản lý. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được duy trì tốt, đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, chiếu sáng công cộng và vệ sinh môi trường. Tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch khu vực 12 quận nội thành đạt xấp xỉ 100%, khu vực ngoại thành đạt 52%. Công tác hạ ngầm được đổi mới theo hướng cho phép DN đầu tư, khai thác các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung. Chương trình trồng 1 triệu cây xanh được đẩy nhanh tiến độ; lũy kế đến nay trồng được 845,4 nghìn cây, đạt 84,5% mục tiêu Chương trình.
Trong công tác cải cách hành chính có chuyển biến toàn diện; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2017 tăng 2 bậc, xếp thứ 56/63 tỉnh, TP. TP đã vận hành thử nghiệm phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP tại 6 sở, quận, huyện... Đã có 552/1.883 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt 29,3%. TP tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, hợp tác để xây dựng chính quyền điện tử và TP thông minh...
Trong giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, chất lượng được nâng cao, dự kiến cuối năm có thêm 90 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường lên 1.426/2.155 trường, tỷ lệ đạt 66,2%. Đã khảo sát 1.270 trường tiểu học và THCS, xác định 3.720 khu nhà vệ sinh cần cải tạo, nâng cấp, xây mới để có lộ trình thực hiện...
 Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị
Hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, 9 tháng đầu năm 2018, Đảng bộ TP đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra. Nổi bật là tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhất.
Hoàn thành công tác sơ kết, kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ Đại hội XVI Đảng bộ TP và các cấp ủy trực thuộc. Triển khai tích cực việc xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Tiếp tục nghiêm túc tổ chức thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Công tác nắm bắt tư tưởng cán bộ, đảng viên được quan tâm chỉ đạo. Chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nhất là cấp chi bộ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tiếp tục được đổi mới, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của Thành ủy “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.
Tuy nhiên, công tác nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thông tin tình hình cơ sở, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp ở một số cấp ủy chưa kịp thời. Công tác đánh giá cán bộ, công chức theo quy định vẫn còn hạn chế…
Tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm và giải ngân XDCB còn chậm. Công tác GPMB ở nhiều công trình còn vướng mắc và phức tạp. Vi phạm về trật tự xây dựng vẫn còn, nhất là vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công. Công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy còn không ít hạn chế, còn để xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản, điển hình là vụ cháy xảy ra tại Đê La Thành, phường Ngọc Khánh.
Việc quản lý một số lễ hội còn một số hạn chế, công tác phòng, chống, vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy còn yếu kém và còn để xảy ra vụ việc đáng tiếc tại Lễ hội âm nhạc điện tử trên địa bàn quận Tây Hồ. Việc chủ động phát hiện và triệt phá một số tai tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn bảo kê tại các chợ, bến xe trên địa bàn còn hạn chế.

Phải xem lại khâu quản lý khi nhìn từ các vụ việc nóng

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ, 9 tháng đầu năm 2018, kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước phát triển, các chỉ tiêu về kinh tế xã hội đều đạt khá; tình hình an ninh quốc phòng, TTATXH được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, đạt được nhiều kết quả tốt.

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội. Đây là một nội dung rất mới, phức tạp và được TP xác định là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ trong năm 2018 mà cả nhiệm kỳ. Mục tiêu là phải xây dựng được một mô hình chính quyền đô thị của TP tự chủ, năng động, có tính khả thi; tổ chức bộ máy, cán bộ phải gọn nhẹ và hiệu quả, hiệu lực.

Bên cạnh các kết quả tích cực, Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh đến những tồn tại, hạn chế mà TP đang phải đối mặt hoặc chưa khắc phục được như: Số vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài còn nhiều; sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị trong giải quyết chưa cao, tốc độ giải quyết các vụ việc đang chậm đi; vẫn xảy ra một số vụ việc gây bức xúc dư luận, xã hội… “Chẳng hạn, vấn đề quá tải trường lớp cho học sinh tiểu học, thu tiền trường đầu năm học chưa đúng quy định, vụ cháy ở Đê La Thành, vụ việc ở chợ Long Biên hay vụ việc xảy ra tại đêm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây… TP cần tiếp tục có chỉ đạo xử lý nghiêm túc” – Bí thư Thành ủy dẫn chứng.

Từ thực tiễn đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền phải khẩn trương rà soát, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải quyết các nhiệm vụ công tác, mục tiêu đề ra của năm 2018. Cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc giải quyết và khắc phục các tồn tại, hạn chế. Sau kiểm điểm giữa nhiệm kỳ phải chủ động xây dựng chương trình kế hoạch công tác của năm 2019.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng lưu ý phải tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, kỷ cương hành chính, văn minh đô thị; đôn đốc giải quyết vướng mắc của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quản lý nhà chung cư…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần