Tham dự và cắt băng khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Về phía tỉnh Ninh Thuận có Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Thanh....
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, những năm gần đây chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 58 dự án đầu tư về du lịch, nghỉ dưỡng với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2018, Ninh Thuận đã đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch và trong 9 tháng năm 2019, tỉnh đón hơn 2,2 triệu lượt khách (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước). UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 du lịch trở thành ngành kinh tế động lực và năm 2025 sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh văn hóa, du lịch của tỉnh đến với người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung. Sự kiện này cũng nhằm cụ thể hóa việc hợp tác giữa Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận với Thành ủy và UBND TP Hà Nội trên lĩnh vực văn hóa, du lịch. Đồng thời, quảng bá nét đẹp văn hóa các dân tộc, sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận đến với người dân Hà Nội và du khách.
Sau lễ khai mạc, trong hai ngày 26 và 27/10, Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội có nhiều hoạt động đặc sắc như: Biểu diễn nghệ thuật hát, múa Chăm; trình diễn trang phục truyền thống Chăm; trích đoạn các lễ hội dân gian độc đáo, giới thiệu nhạc cụ và giao lưu, hướng dẫn múa truyền thống. Đặc biệt, lần đầu tiên tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, du khách sẽ được đắm mình trong điệu múa Apsara, tiếng kèn Saranai, tiếng trống Paranưng... Ngoài ra, du khách còn được giới thiệu văn hóa ẩm thực đa dạng của tỉnh Ninh Thuận như các món ăn được chế biến từ thịt cừu, rượu vang nho…