Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai quật khảo cổ nút Văn Cao - Hồ Tây: Những cái “thêm” đáng để suy ngẫm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuộc khai quật khảo cổ được gọi là "chữa cháy" ở công trường thi công nút giao thông Văn Cao - Hồ Tây lại đang thu hút sự quan tâm của dư luận, không kém gì lần máy ủi va vào đoạn tường thành này cách đây 19 tháng.

Nhưng những gì lộ diện trong cuộc khai quật kéo dài một tháng vừa rồi cũng khiến người yêu Hà Nội nhận ra những cái "thêm" để mừng và cân nhắc.

Thêm lời khẳng định về niên đại thành

Cuộc khai quật mở ra trên một diện tích khiêm tốn (10x20m), gần như chính giữa công trường thi công nút Văn Cao - Hoàng Hoa Thám - Hồ Tây (bắt đầu từ ngày 10/11/2011). Những hiện vật tìm thấy, những phát lộ trong lát cắt khảo cổ trên phần tường thành, đã "đồng tình" với suy đoán ban đầu của các nhà khảo cổ: Đây là một đoạn phía Bắc - giáp Tây Bắc của Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ và nằm trong Kinh thành Thăng Long thời Lý Trần - cũng đúng với những ghi chép trong bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (Lê Sơ).

Các nhà khảo cổ cũng tận mắt nhìn thấy 17 lớp đất liên tiếp phát lộ trong một hố khai quật sâu gần 8m. Ở đó xuất hiện những gia cố móng kiến trúc với đoạn thành dài 12m, rộng 3,9m, có những đoạn thành mặt cắt choãi rộng hơn 20m, mang tính chất của một lũy thành hoặc một đê bao lớn và kiên cố. Cùng với đó, khối lượng hiện vật rất phong phú: đồ kim loại, sứ, sành, tiền, các phế phẩm của lò nung gốm và gạch ngói xây dựng với đủ các giai đoạn Lý - Trần - Lê. Kết quả ấy chỉ ra rằng: Tường của Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ được đắp rất kiên cố và có thể cao đến 8m, thể hiện rất rõ sự tiếp biến văn hóa, một phần của quá trình xây dựng và quy mô của Kinh thành Thăng Long qua các thời đại lịch sử Lý - Trần - Lê Sơ. Các dấu tích của một lò gốm từ thời Trần cũng khẳng định thêm giả thiết về sự tồn tại của một vùng dân cư có mật độ khá dày tại đây.

Thêm nỗi băn khoăn: “Để làm gì?”

Còn rất nhiều dấu hỏi đặt ra trước kết quả sơ bộ của cuộc khai quật này. Nào là thành được đắp như thế nào? Lấy đất ở đâu để đắp thành? sông hộ thành (thường nằm song song với thành) đâu?... Có lẽ những băn khoăn mang tính "nghề" này sẽ được những người trong cuộc lý giải sau, vì hiện tại, Viện Khảo cổ học Việt Nam vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia và chờ kết quả phân tích địa chất, để đưa ra kết luận cuối cùng.

Dù thế nào đi nữa, những chứng cứ, những hiện vật từ kết quả của cuộc khai quật này thêm minh chứng cho một quá trình hình thành, phát triển của đất Thăng Long cũng như những giá trị di sản tiềm ẩn ở mảnh đất này. Vì thế, các chuyên gia khảo cổ có nguyện vọng được tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu. Có người còn cho rằng: “Cần phải được đầu tư nghiên cứu sâu hơn, thậm chí cần có kế hoạch bảo tồn một phần”. Đây cũng là tâm lý dễ hiểu đối với những người làm nghề khi "khám phá" giá trị của khu Kinh thành lẫy lừng một thuở. Nhưng công bằng mà nói, khảo cổ học cũng là phục vụ con người, thi công công trình xây dựng cũng là phục vụ con người. Kéo dài thêm nữa việc khảo cổ để làm gì trong khi công trình phục vụ nhu cầu dân sinh kia cứ nằm im nhìn ùn tắc giao thông hằng ngày. Kéo dài thêm nữa việc khảo cổ làm gì khi đã biết chắc chắn đây là một tường thành của Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ…

Thiếu sót trong quá trình thi công nút giao thông Văn Cao - Hồ Tây đã được khắc phục bằng một cuộc khảo cổ "chữa cháy". Quyết định tạm ngừng thi công để các nhà khảo cổ học vào cuộc cũng đã phần nào nói lên sự trân trọng các nhà quản lý Thủ đô với giá trị văn hóa, lịch sử của khu Hoàng thành. Thế nên, hợp tình hợp lý nhất ở thời điểm này là thực hiện đúng theo kế hoạch đã định: Sau khi khai quật và thu thập tư liệu sẽ lấp hố khảo cổ, trả lại mặt bằng để tiếp tục thi công công trình đang dang dở theo quy hoạch làm đường đã được ấn định.

Sáng ngày 20/12, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam. Ông Tín cho biết: Viện Khảo cổ học đã đề xuất với UBND TP Hà Nội thực hiện một cuộc tọa đàm về kết quả cuộc khai quật khảo cổ này. Nghĩa là sau đó, phương án để hài hòa giữa bảo tồn và xây dựng mà người ta mong muốn mới được ngã ngũ. Song thiết nghĩ, phương án nào thì trước khi đưa ra cũng nên đặt dấu hỏi “Để làm gì?”.