Nhiều tồn tại, hạn chế
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện, Việt Nam có 24 ngành hàng XK đạt trên 1 tỷ USD; trong 3 năm gần đây (từ 2011 - 2013), gia tăng kim ngạch XK đạt gần 20 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra cơ hội XK mới cho các mặt hàng. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Tư vấn trưởng Đánh giá tiềm năng XK thuộc Chương trình Nâng cao năng lực cạnh tranh XK cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam: "Mặc dù kim ngạch liên tục tăng, nhưng sản phẩm XK phần lớn vẫn là nguyên liệu thô, chưa đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Nông sản là một trong những thế mạnh XK của Việt Nam nhưng XK chủ yếu qua trung gian, dẫn đến việc các DN bị lệ thuộc vào đối tác nước ngoài".
Nhiều sản phẩm của làng gốm Bát Tràng, Hà Nội được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: Hải Linh
|
Thực tế hoạt động XK trong thời gian qua cho thấy, các ngành sản xuất công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử chủ yếu làm gia công dựa trên ưu thế cạnh tranh về lao động giá rẻ. Trong bối cảnh mức lương ngày càng cao thì nguy cơ thiếu hụt lao động cho các ngành này ngày càng lộ rõ. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc nặng nề vào nguyên phụ liệu hoặc linh kiện nhập khẩu là đặc điểm nổi bật của ngành công nghiệp, nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Điểm yếu này khiến các ngành XK phải chịu rủi ro lớn trong biến động giá cũng như sự chủ động về thời gian giao hàng, nguồn hàng cung ứng.
Trong khi đó, quy hoạch trong sản xuất, nuôi trồng và khai thác nông, lâm, thủy sản yếu kém dẫn đến mất cân đối về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến XK. Thiếu nguyên liệu đầu vào trở nên phổ biến đối với chế biến thủy sản, thủ công mỹ nghệ khiến các DN hoạt động trong lĩnh vực này phải nhập khẩu nguyên liệu như điều, thủy sản, tre, mây... Trong khi đó, nguồn cung cao su, cà phê lại dư thừa và giá bán ngày càng giảm.
Bên cạnh đó, vấn đề nổi cộm khác là DN còn thiếu thông tin về thị trường, chưa có sự liên kết ngang trong ngành nên chưa khai thác được hết tiềm năng XK. Công nghệ sản xuất, chế biến đối với hàng XK và quản lý, tiếp thị đối với dịch vụ XK còn lạc hậu dẫn đến chất lượng hàng hóa và dịch vụ thấp.
Xác định ngành hàng chủ lực
Trong thời gian tới, ngành công thương cần xác định các ngành hàng, dịch vụ có tiềm năng XK trong tương lai và tái khẳng định những ngành hàng đã XK tốt, phát hiện những mặt hàng chưa có thống kê XK hoặc đã XK với số lượng hạn chế nhưng có tiềm năng để đẩy mạnh XK. Ông Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thuộc Bộ NN&PTNT cho rằng, Việt Nam đã quá chú trọng XK gạo nhưng giá trị thu được chưa tăng tương xứng. Trong khi đó, nhu cầu thế giới và trong nước về sắn ngày càng cao để phục vụ nguyên liệu cho sản xuất ethanol (xăng sinh học) trong nước và XK lại chưa được chú trọng. Ông Miroslav Delaporte - Trưởng đại diện Cục Hợp tác Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tại Việt Nam cũng khuyến nghị, cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường cập nhật cho từng ngành, xúc tiến triển khai các chính sách ưu đãi với công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu riêng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến kỹ thuật công nghệ, đa dạng hóa các thị trường XK…
Thực tế cho thấy, cùng với việc nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng có kim ngạch XK lớn thì một vấn đề quan trọng là phải nâng cao năng lực cạnh tranh XK của DN, qua đó, thúc đẩy tăng kim ngạch XK và phát triển các ngành hàng XK chính thông qua hệ thống xúc tiến thương mại trên toàn quốc. Tuy nhiên, bản thân các DN phải tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu riêng…