Khai thác nước ngầm quá mức: Các đô thị lớn đang trả giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay, quá trình đô thị hóa mạnh cùng với sự phát triển của dân số đang kéo theo nhu cầu dùng nước sạch ngày một cao, đòi hỏi liên tục khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ đời sống và sản xuất.

KTĐT - Hiện nay, quá trình đô thị hóa mạnh cùng với sự phát triển của dân số đang kéo theo nhu cầu dùng nước sạch ngày một cao, đòi hỏi liên tục khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ đời sống và sản xuất. Khi mực nước ngầm bị hạ thấp do quá trình khai thác quá mức cho phép, trạng thái đất đá bị thay đổi dẫn đến hiện tượng sụt lún bề mặt đất.

Hậu quả có thể thấy ngay đó là nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, vấn đề ngập lụt thường xuyên diễn ra tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM trở nên trầm trọng, phức tạp hơn. Đặc biệt, liệu chất lượng của các công trình xây dựng (dân sinh, công cộng) có bị ảnh hưởng vì nền đất lún sụt?

Ngay từ năm 2007, theo kết quả nghiên cứu của Viện KHCN&KTXD Hà Nội cho thấy lượng nước ngầm khai thác năm 2006 vào khoảng 650.000-700.000m3/ngày đêm. Con số này đến năm nay đã là 1,1 triệu m3/ngày đêm, vượt xa so với Quyết định 50/2000/QĐ-TTg ngày 24/4/2000 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Tổng thể hệ thống cấp nước TP Hà Nội đến năm 2010 (Trong đó nêu rõ: Tổng công suất khai thác nước ngầm đến năm 2010 phía Nam sông Hồng không quá 700.000m3/ngày, phía Bắc sông Hồng khoảng 142.000m3/ngày). Tại TP.HCM, tình hình khai thác nước ngầm quá mức cho phép để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất cũng rất đáng báo động. TP.HCM hiện có hơn 200.000 giếng khoan với tổng công suất trên 1triệu m3/ngày đêm (gấp 5 lần so với quy định 200.000 m3/ngày đêm đến năm 2010 tại TP.HCM của Thủ tướng đã phê duyệt). Cả 2 đô thị lớn nhất cả nước đều đang chung một tình trạng khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt và sản xuất vượt quá giới hạn cho phép. Điều này đã dẫn tới hậu quả mực nước ngầm hàng năm đã bị hạ thấp và đó là một trong những nguyên nhân gây lún sụt mặt đất trên diện rộng, ô nhiễm nguồn nước ngầm… đặc biệt với Hà Nội - nơi có địa chất, có nhiều điểm mang tính chất của nền đất yếu như Thành Công, Pháp Vân, Tương Mai, Hoàng Mai... Cũng như vậy, TP. HCM đang hứng chịu lún sụt bề mặt đất do việc khai thác nước ngầm quá mức tại nhiều nơi như: Q.6 (5-20cm), Q. Bình Tân (14cm), thị trấn An Lạc, Q.Bình Chánh (12cm), và ngày càng xuất hiện thêm nhiều nơi khác.

Đáng lưu ý, Hà Nội và TP.HCM luôn khổ sở trong mùa mưa và tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng tại Hà Nội. Trận mưa lớn vào tháng 8 vừa rồi đã khiến cả Thủ đô giao thông tắc nghẽn vì ngập úng. Hệ thống thoát nước dù đã vận hành tối đa nhưng vẫn không thể giải toả được sự tê liệt giao thông vì khắp nơi đều ngập. Nguyên nhân thì có nhiều, song cũng có một lý do bởi sự xâm hại quá mức hệ thống nước ngầm đang diễn ra bởi việc tiêu thoát nước phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống nước ngầm và độ dốc tự nhiên bề mặt đất. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Đức - Chuyên viên chính Phòng Quản lý cấp thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Tầng nước ngầm bị hao hụt từng ngày, kéo theo đó là bề mặt đất cũng lún xuống theo diện rộng (dồn xuống để bù vào khoảng trống do lượng nước đã mất đi). Lún toàn bộ bề mặt trong diện rộng (như 1 quận hoặc cả TP) và có chỗ lún nhiều, có chỗ lún ít. Lúc đó cốt mực nước được tính toán thiết kế giữa mặt đường và nhà dân để chống được ngập lụt sẽ bị ảnh hưởng gây nên ngập lụt cục bộ tại khu vực.

Không chỉ làm cho tình hình úng lụt trở nên khó xử lý hơn, việc lún sụt trên diện rộng còn ảnh hưởng rất nhiều tới các công trình xây dựng mang quy mô lớn trên nền đất này. Với những công trình công cộng lớn (đường giao thông) thì việc lún không đều có thể gây rạn nứt, thậm chí phá huỷ toàn bộ công trình. Các công trình lớn phải tính tới hệ số an toàn cao nhưng điều này rất tốn kém nên ít có công trình làm được điều đó. Theo ông Nguyễn Minh Đức, trạm bơm Pháp Vân trước đây đã phải hứng chịu sự lún sụt không đều này và phải phá ra làm lại. Tuy nhiên, chúng ta cần chuẩn bị phương án bảo vệ các công trình công cộng mang quy mô lớn, nhất là khi Hà Nội vừa qua đã lên ý tưởng xây đường sắt trên cao. Đặt trường hợp với công trình đường xe điện ngầm dưới mặt đất, khi xảy ra lún sụt không đều, hậu quả sẽ rất khó lường nếu đoàn tàu gặp những đoạn ray có sự thay đổi cao độ đột ngột.

Những tác động của việc hạ mực nước ngầm không chỉ dừng ở gây úng lụt khó xử lý hơn (do độ dốc tự nhiên bị thay đổi và Hà Nội có thể sẽ mang cao độ thấp hơn vùng ngoại vi và trở thành túi nước), mà còn là nguyên nhân của ô nhiễm nguồn nước sạch. Mặt đất có 1 tầng xốp, 1 tầng sét và đến lớp đất cát bùn (có độ thấm rất lớn) nếu mực nước ngầm bị hạ thấp sẽ làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm, đặc biệt với những nơi nền đất yếu có tốc độ thấm của đất lớn như phía Nam Hà Nội (Hoàng Mai, Mai Động, Văn Điển) bởi khi mưa xuống, nước mưa sẽ cuốn theo các chất thải thấm thẳng xuống tầng nước ngầm. Người dân tại vùng này vẫn có thói quen sử dụng nước giếng khoan (sử dụng và cung cấp cho sinh viên, người lao động thuê nhà…) do nước máy không đủ mà hầu hết các giếng khoan này đều có độ sâu 40m trở lên so với mặt đất và đang có chất lượng rất kém, nhiều nơi bị nhiễm bẩn NO2, NO3, NH4, thậm chí cả Asen. Hiện trạng này đã vượt mức báo động mà hệ quả là nhiều đô thị lớn (Hà Nội, TP. HCM) đang phải trả giá một cách thực sự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần