Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai thác thế mạnh du lịch

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tây Hồ là quận có diện tích đất nông nghiệp hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm qua, Hội Nông dân quận đã có nhiều giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, trong đó có việc mở hướng khai thác thế mạnh du lịch sinh thái.

Diện tích nhỏ, thu nhập cao

Vụ quất Tết Nguyên đán Quý Tỵ, trong khi nhiều người trồng quất lay lắt tìm đầu ra thì anh Vũ Hoa Bình, tổ 38, phường Quảng An, quận Tây Hồ vẫn có thu nhập cao từ cây trồng này. Gia đình anh Bình trồng hơn 300 cây quất trên diện tích 500m2. Anh cho biết, nhờ chăm sóc tốt nên vườn quất nhà anh có dáng đẹp, lá xanh, quả to và vàng đều, cả vụ quất gia đình thu về gần 900 triệu đồng.

Ngoài trồng quất, hội viên nông dân phường Quảng An còn tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất. Điển hình là mô hình trồng hoa ly của anh Ngô Thanh Kim, Lê Văn Hùng, chị Nguyễn Thị Phượng (tổ 26)... chỉ với diện tích 500 - 600m2 nhưng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 
Khai thác thế mạnh du lịch - Ảnh 1
 
Hồ sen thuộc phường Quảng An trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người.  Ảnh: Mỹ Hạnh
 

Ở phường Quảng An đã xuất hiện nhiều nông dân "thế hệ mới", thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình xây nhà cho người nước ngoài thuê. Toàn phường Quảng An hiện có trên 600 hộ gia đình xây nhà cho người nước ngoài thuê, trong đó hội viên nông dân có 150 hộ. Giá cho thuê hiện dao động khoảng 600 - 5.000 USD/tháng.

Tại phường Tứ Liên, nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao cũng đã được triển khai tới các hội viên nông dân. Bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tứ Liên cho biết, ngoài mô hình trồng quất cảnh thương phẩm, bà con nông dân còn phát triển hướng đi mới là trồng quất giống, quất bonsai. Hiện, diện tích trồng quất toàn phường Tứ Liên đạt 12ha, trong đó quất thương phẩm là 9ha. Năm 2012, thu nhập từ trồng quất trên địa bàn phường đạt 11 tỷ đồng.

 Phát triển du lịch  sinh thái

Ngoài sản xuất nông nghiệp, một bộ phận nông dân các phường Xuân La, Nhật Tân, Tứ Liên, Phú Thượng... đã chuyển đổi sang kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán nhỏ, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động.

Đặc biệt, nông dân tại các phường Nhật Tân, Tứ Liên... còn phát triển mô hình vườn hoa du lịch. Trong đó, gắn sản xuất hoa, cây cảnh theo mùa như hoa đào, hoa cải, bách nhật... với dịch vụ phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh, mang lại thu nhập cao.

Tại phường Quảng An, nông dân cũng kết hợp làm chè sen với phát triển du lịch. Ông Nguyễn Duy Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng An cho biết: "Phường chủ trương đẩy mạnh mô hình làm chè sen kết hợp với du lịch sinh thái để giữ được không gian, cảnh quan rất đặc trưng của khu vực Hồ Tây".

Theo ông Lê Như Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân quận Tây Hồ, ngoài đào tạo nghề cho hội viên nông dân, Hội đã triển khai thực hiện Chương trình số 02-Ctr/QUTH của Quận uỷ Tây Hồ về quản lý, khai thác Hồ Tây và các vùng phụ cận gắn với phát triển kinh tế và phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Hiện nay, quận đã xây dựng được thương hiệu chè sen phường Quảng An, quất cảnh Tứ Liên. Đây là tiền đề quan trọng để khai thác thế mạnh sản xuất hoa, cây cảnh gắn với du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Năm 2012, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn quận Tây Hồ đã tư vấn, giới thiệu việc làm tại chỗ và dạy nghề cho 300 lao động. Trên địa bàn quận Tây Hồ hiện không còn hộ nông dân nghèo.