Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khám sức khỏe định kỳ để nâng chất lượng cuộc sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc đến hai từ “ung thư” người ta nghĩ ngay đến bản án tử hình. Ấy vậy mà, ngày nay từ những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, bát đĩa nhựa cho đến cả thức ăn, nước uống hàng ngày đều có nguy cơ gây bệnh ung thư.

Trong khi đó, người dân lại thường lơi là việc khám sức khỏe định kỳ.

35% ca ung thư do thực phẩm độc hại

Cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm trong tay, chị Phan Minh H. (huyện Đông Anh, Hà Nội) gục tại chỗ khi biết mình bị ung thư dạ dày. Chị H. tâm sự, bản thân mình không bia rượu, không hút thuốc, hàng ngày đi làm kiếm tiền chăm chồng nuôi con nên chẳng mấy khi để ý đến sức khỏe. Đợt gần đây thấy đau bụng nhiều, ăn vào lại nôn ra chị mới đi khám thì nhận được kết quả này. “Có lẽ cuộc đời tôi sắp chấm hết…”, chị H. ngậm ngùi. Trớ trêu hơn, gia đình anh Bùi Văn L. (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có 5 người thì có tới 2 người mắc bệnh ung thư. Bố anh L. bị ung thư trực tràng còn vợ lại ung thư vú đã 2 năm nay. Anh L. kể, tiền của trong nhà cứ dần “đội nón” ra đi, ngoài ra gia đình còn phải đi vay lãi bên ngoài để chữa bệnh cho bố, cho vợ nhưng rồi cái án tử hình vẫn ập vào, bố anh L. cuối cùng cũng về với tổ tiên từ cuối năm ngoái.
Xạ trị cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc.
Xạ trị cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc.
Tại hội thảo về “Tiếp cận điều trị ung thư” mới diễn ra tuần qua, bác sĩ Trần Văn Thuấn -  Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) K tỏ ra lo lắng khi số lượng bệnh nhân ung thư tăng nhanh qua các năm. Hiện Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đang điều trị ung thư, mỗi năm có 125.000 người mắc mới và gần 100.000 người tử vong do căn bệnh này. Điều đáng nói là có tới 35% người dân mắc ung thư do thực phẩm bẩn. TS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, số ca mắc ung thư nhiều hơn là do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là tập quán ăn uống thay đổi, ngày xưa, thức ăn là thực phẩm hoàn toàn tự nhiên không dự trữ, thì hiện nay, thực phẩm công nghiệp rất nhiều: mì tôm, xúc xích, giăm bông, thịt hun khói... yếu tố gây ung thư là thịt đỏ. Thứ hai, là do sự phát triển của ngành nông nghiệp, cách trồng trọt, chăn nuôi khác. Trước canh tác phân chuồng, phân xanh, bèo hoa dâu - những thứ này vô hại. Bây giờ thay vào đó là hóa chất - từ công đoạn sản xuất cho đến trước khi tiêu dùng. Nguy cơ gây ung thư từ đó mà ra.

Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời

Bác sĩ Trần Văn Thuấn cho biết, phần lớn người bệnh ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Trong đó ung thư gan giai đoạn muộn chiếm tỷ lệ cao nhất gần 88%, kế đến là dạ dày gần 87%, phổi hơn 84%, ung thư vú và ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn chiếm tỷ lệ thấp hơn, gần 50% và gần 54%. Điều đó không những khiến cho việc điều trị ít có khả năng thành công, làm giảm cơ hội sống của người bệnh mà còn làm tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội. Còn bác sĩ Trần Ngọc Thạch – Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Ung bướu Hà Nội chỉ ra rằng, người Việt Nam thường có tâm lý e ngại gặp bác sĩ, chỉ sợ bị “vẽ” thêm bệnh và thường tự điều trị khi sức khỏe có vấn đề. Vì vậy, công tác điều trị dự phòng ban đầu hay bị coi thường. Bác sĩ Thạch khẳng định, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố cốt lõi để cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư.

Vì vậy, theo bác sĩ Thạch, người Việt cần xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các mặt bệnh, trong đó có bệnh ung thư, chữa khỏi bệnh ung thư phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện sớm hay muộn. Ở giai đoạn sớm bệnh có thể điều trị khỏi, giai đoạn muộn thì chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng biến chứng của bệnh. Thứ 2 là loại ung thư. Ở nước phát triển ung thư được chữa khỏi lên đến 70% tổng số người mắc bệnh nên ung thư không phải án tử hình. Tuy nhiên, 80% người bệnh đến BV trong giai đoạn 3 hoặc giai đoạn cuối nên khó điều trị.
Sức khỏe là vốn quý giá nhất của mỗi con người. Vì vậy không ai khác chính bản thân mỗi người cần chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe của mình thông qua khám sức khỏe định kỳ để không bị “muộn” nếu phát hiện ung thư.
Bác sĩ Trần Ngọc Thạch Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Ung bướu Hà Nội