Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu 12 Bộ, 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo 30 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trực thuộc khẩn trương ban hành Quy chế quản lý nợ của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 206/2013/NĐCP, hoàn thành và tổng hợp gửi Bộ Tài chính trong tháng 10/2014 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Nghị định 206, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế quản lý nợ; xác định rõ vai trò trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ; đối chiếu xác nhận, phân loại nợ, đôn đốc thu hồi và chủ động xử lý nợ tồn đọng theo quy định.
Trong khi đó, các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, hoặc được giao quản lý phải thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá các khoản nợ của công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp gặp khó khăn trong thu hồi nợ và thanh toán các khoản nợ, các đơn vị chủ quản này yêu cầu và chỉ đạo công ty có đề án khắc phục và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết đinh.
Đối với các khoản nợ khó đòi hoặc không có khả năng trả nợ, trước hết, doanh nghiệp phải thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và tự tìm mọi biện pháp xử lý thu hồi nợ, cùng chia sẻ khó khăn giữa chủ nợ, khách nợ để xử lý thông qua các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, mua bán nợ; trường hợp vượt quá khả năng và thẩm quyền xử lý, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp hỗ trợ giải quyết.
Đối với các khoản nợ phải thu, phải trả bằng ngoại tệ, thực hiện quy đổi sang đồng Việt Nam tại thời điểm hạch toán và lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ phát sinh trong kỳ, chênh lệch tỷ giá đánh giá lại số dư nợ ngoại tệ phải thu, phải trả cuối năm tài chính được xử lý theo quy định, của Bộ Tài chính.
Các doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục chuyển đổi được xử lý ngay các khoản nợ tồn đọng phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Các giải pháp về xử lý nợ phải được thực hiện một cách đồng bộ trên cơ sở tổ chức sắp xếp, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp để có nguồn trả nợ nhằm lành mạnh hóa và ổn định lâu dài tình hình tài chính doanh nghiệp theo nguyên tắc nợ doanh nghiệp tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, các cơ quan chủ quản cũng phải chỉ đạo, đôn đốc Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc doanh nghiệp ban hành Quy chế quản lý nợ của doanh nghiệp…
Kinhtedothi - Ảnh minh họa. |