Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẩn trương đưa chương trình hành động của Chính Phủ về "tam nông" vào cuộc sống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo kế hoạch, hầu hết các chương trình, đề án này đã được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong 2 năm qua (2008-2009).

KTĐT - Theo kế hoạch, hầu hết các chương trình, đề án này đã được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong 2 năm qua (2008-2009).

Mặc dù Chương trình hành động của Chính phủ về "tam nông" đã được phê duyệt từ 2 năm trước, nhưng hiện nay nhiều chương trình, đề án cụ thể đang chậm được hướng dẫn và tổ chức triển khai ở các Bộ, ngành.

Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008), có đến 48 quy hoạch, chương trình, đề án cụ thể đã được phân công cho các Bộ, ngành triển khai từ nay đến năm 2020, nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

Trong số này phải kể đến các đề án như: thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; phát triển thông tin, truyền thông nông thôn; phát triển y tế nông thôn; cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế ở nông thôn (trang trại, HTX, doanh nghiệp, khoa học, thương mại, hiệp hội ngành hàng); phát triển nông nghiệp công nghệ cao;..

Theo kế hoạch, hầu hết các chương trình, đề án này đã được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong 2 năm qua (2008-2009).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, nhiều chương trình, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt nhưng lại bị chậm được hướng dẫn và tổ chức triển khai ở các Bộ, ngành; thậm chí có một số chương trình, đề án chưa trình theo đúng kế hoạch được giao.

Trước tình hình này, Phó Thủ Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ các Chương trình, đề án đã được Thủ tướng cho ý kiến và cả các chương trình, đề án chưa trình theo nhiệm vụ được giao năm qua. Thời gian trình là ngay trong quý I/2010 này.

Đặc biệt, cũng trong quý I/2010, các Bộ, ngành phải hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn có liên quan tại các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành; đồng thời tổ chức, triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt.

Theo số liệu tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 24/2008/NQ-CP, hiện 100% số tỉnh, thành phố đã xây dựng xong Chương trình hành động của địa phương theo tinh thần của Nghị quyết này. Tuy còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng những nội dung, chính sách liên quan đến phát triển nông thôn mới và vấn đề "tam nông" đều được hầu hết cán bộ làm công tác nông nghiệp và người nông dân quán triệt đầy đủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam triển khai 8 nội dung chính trong Chương trình hành động "tam nông" nói trên gồm: Điều tra, đánh giá hiện trạng và tiềm năng NNNDNT; thiết kế quy hoạch bố trí dân cư, xây dựng các mô hình thí điểm nông thôn mới; đào tạo nâng cao năng lực cho nông dân; tổ chức phản biện, thẩm tra, thẩm định các chương trình, dự án xã hội; giám sát, đánh giá độc lập các chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia xây dựng 4 luật: Thủy lợi, Nông nghiệp, Thú y, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; tư vấn các dự án đầu tư về môi trường nông thôn; tư vấn lập dự án, ứng dụng và phát triển công nghệ trong nông nghiệp nông thôn; xây dựng cơ chế, chính sách đổi mới phát triển công nghệ (xuất nhập khẩu) trong nông nghiệp.

Được biết, theo ý kiến của đại diện các hiệp hội nông nghiệp, trong xây dựng nông thôn mới thì vấn đề khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng và cần phải tìm cách để khai thác, ứng dụng có hiệu quả.

Một số vấn đề khác cũng được đặt ra, chẳng hạn, hiện nay nông dân hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường (từ khâu chọn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…); nông dân gặp khó khăn trong khâu trồng trọt; nước cho sản xuất nông nghiệp nhiều nơi bị ô nhiễm; thiếu các công nghệ trong khâu thu hoạch, bảo quản sản phẩm... Đó là những vấn đề cũng cần phải giải quyết đồng bộ.

Bởi thế, rất cần các Bộ, ngành nhanh chóng triển khai các chương trình, đề án theo kế hoạch trong Chương trình hành động của Chính phủ về "tam nông", nhằm đưa chính sách đi vào cuộc sống, giúp chương trình mang lại hiệu quả sâu sắc, góp phần thay đổi diện mạo, tạo sức sống mới cho nông nghiệp nông thôn Việt Nam.

Mục tiêu cơ bản của tổng thể Chương trình "tam nông" của Chính phủ là hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn tăng hơn 2,5 lần so với hiện nay. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới bền vững, văn minh, giàu đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.