Hiện, ga Biên Hòa đang trở thành ga cuối cho những chuyến tàu từ Bắc vào Nam và là ga khởi đầu cho chiều ngược lại.
Phấn đấu khắc phục trong vòng 2,5 tháng
Ngày 21/3, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với các đơn vị có liên quan để bàn giải pháp khắc phục vụ sập cầu Ghềnh xảy ra trưa ngày 20/3. Tại buổi làm việc, Bộ GTVT yêu cầu ngành đường sắt phải tổ chức lại sản xuất, kế hoạch vận tải; phối hợp với Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông để thống nhất phương án khắc phục sự cố trên. Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị có liên quan huy động tối đa các nguồn lực để khắc phục sự cố trong thời gian 2,5 tháng.
Cùng với đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị có liên quan phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của địa phương, đơn vị trong ngành để giải quyết nhanh nhất các vấn đề khảo sát, thanh thải, tổ chức vận tải đường thủy, tổ chức vận tải đường sắt cũng như việc khôi phục tuyến đường sắt qua khu vực này. “Đây là công trình khẩn cấp, Tổng Công ty Đường sắt là chủ đầu tư và giải quyết thanh thải. Tổng Công ty phải chỉ định đầu mối cụ thể, người chỉ đạo phải chịu trách nhiệm chính chứ không phải đợi xin ý kiến, gây lãng phí thời gian” – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại hiện trường, bắt đầu từ sáng 21/3, Đội kỹ thuật được Bộ GTVT chỉ định đến hỗ trợ tỉnh Đồng Nai cứu nạn vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh cũng đã huy động các trang thiết bị máy móc hiện đại nhất để khắc phục sự cố. “Khi thiết bị được thả xuống nước, toàn bộ hiện trạng lòng sông cũng như các chướng ngại vật ở dưới sẽ được chuyển tải lên máy tính và có thể nhìn thấy bình thường. Việc ghi nhận được hình ảnh ở đáy sông góp phần xác định vị trí các hạng mục cầu bị chìm, vị trí sà lan để lực lượng cứu hộ đưa ra phương án trục vớt hiệu quả. Hình ảnh đáy sông có thể thấy được trong bán kính 200m” - KS Nguyễn Tân Sơn - Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển cho biết.
Hành khách được nhà ga hỗ trợ tối đa
Liên quan đến sự cố trên, ngày 21/3, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị này đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch chạy tàu nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến hành khách. Việc thay đổi lịch trình chạy tàu chủ yếu thực hiện đối với đoạn từ Nha Trang trở vào. Hành khách có nhu cầu đổi trả vé liên quan đến việc chuyển tải hành khách, thay đổi lịch trình sẽ không phải thanh toán phí đổi, trả. Đối với hành khách tiếp tục có nhu cầu đi lại bằng đường sắt, trong thời gian khắc phục sự cố không phải chi trả chi phí chuyển tải, các hoạt động bán vé và vận chuyển hành khách của đơn vị này vẫn diễn ra bình thường.
Đối với vận tải hàng hóa, ngành đường sắt tiếp tục tổ chức vận chuyển hàng hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai.
Trong 2 ngày 20 và 21/3, khi xảy ra sự số sập cầu Ghềnh, ga Sài Gòn tuy bị cô lập nhưng theo ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, việc bán vé tàu, thời gian khởi hành tại ga vẫn diễn ra bình thường. Ở cả hai chiều từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa và ngược lại, hành khách tập trung đúng giờ ghi trên vé, ga tàu sẽ sử dụng xe khách và huy động hàng chục xe buýt đưa khách đến 2 ga. Ông Văn cũng lưu ý, khách đi tàu trong thời gian này cần hạn chế mang hành lý cồng kềnh, nếu không quá cấp thiết, hành khách có thể rời lịch lên tàu chờ một phương án xử lý tốt hơn. Tất cả các hành khách có nhu cầu đổi vé tuyến Bắc - Nam trong những ngày này đều được hỗ trợ đổi vé miễn phí.
Theo kế hoạch chạy tàu trong ngày 21/3, từ ga Sài Gòn sẽ có 7 chuyến (SE6, SE22, TN2, SE26, SE2, SNT2, SE4) với khoảng gần 800 khách (chưa tính số khách trả vé). Về vấn đề hành lý ký gửi, đại diện ga Sài Gòn cho biết, trong khi chờ phương án của lãnh đạo ngành đường sắt, trước mắt ga Sài Gòn sẽ không nhận ký gửi kể từ ngày 21/3.
Trước đó, ngày 20/3, ga Sài Gòn đã dùng ô tô trung chuyển khoảng 1.400 khách đi từ ga Sài Gòn tới ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình, đồng thời có khoảng 1.500 hành khách được trung chuyển từ ga Biên Hòa về ga Sài Gòn.
Theo quan sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại ga Biên Hòa do lượng hành khách quá đông từ chiều 20/3 dẫn đến nhà ga bị ùn ứ. Tỉnh Đồng Nai phải huy động lực lượng CSGT tham gia giữ gìn trật tự, đảm bảo an toàn cho người dân. Trước tình hình sự việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã chỉ đạo Sở GTVT cùng Công an tỉnh phải bảo đảm được tình hình an ninh trật tự cho hành khách. Ngành đường sắt phải chịu mọi chi phí để bố trí phương tiện vận chuyển, không để cho hành khách mất thời gian chờ đợi.
Hành khách tại ga Biên Hòa sáng 21/3.
|
Bắt chủ tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh Qua điều tra, trưa 21/3, Cơ quan công an đã bắt giữ ông Phan Thế Thượng (sinh năm 1963, ngụ ở Sóc Trăng) là chủ tàu kéo sà lan kiêm tài chính của đầu kéo sà lan gây tai nạn ở cầu Ghềnh. Trước đó, vào sáng cùng ngày, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ 2 nghi can Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ ở Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, ngụ ở Sóc Trăng) khi đang lẩn trốn tại Sóc Trăng trong vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh.
Vào sáng 20/3, khi tàu đẩy sà lan cát đến khu vực phà Cát Lái, thuộc quận 2, TP Hồ Chí Minh thì ông Thượng lên bờ đi việc riêng và giao tàu kéo cho Giang và Lẹ điều khiển. Do không có kinh nghiệm điều khiển tàu nên khi đến khu vực cầu Ghềnh, nước chảy mạnh, Giang và Lẹ không thể điều khiển được đầu kéo đã khiến sà lan đâm sập cầu Ghềnh. Khi xảy ra tai nạn, Giang cùng Lẹ đã nhảy xuống sông Đồng Nai và bơi vào bờ. Sau đó, Giang và Lẹ đã xin tiền người dân rồi đón xe khách bỏ trốn về Sóc Trăng. Được biết, khi vừa rời khỏi hiện trường, Giang có gọi điện thoại báo sự việc cho ông Thượng. Qua kiểm tra, Cơ quan công an xác định tàu kéo của ông Thượng đã hết hạn kiểm định từ ngày 1/12/2015. Còn sà lan gây tai nạn số hiệu SG-5984 được kiểm tra kỹ thuật gần đây nhất là ngày 13/10/2015. Hiện, cơ quan công an đang thu thập đầy đủ giấy tờ của sà lan cũng như làm việc với chủ phương tiện. Chiều 21/3, cơ quan chức năng Đồng Nai cho biết, công tác xử lý, khắc phục sự cố sập cầu vẫn đang tiến hành. Ngọc Hà - Mai Phương
|