Trong đó, huy động tối đa mọi phương tiện để bơm cưỡng bức, kết hợp tháo nước nhanh để cứu lúa và hoa màu vùng bị ngập, ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước. Đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại ở những diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, nhất là diện tích lúa gieo sạ.
Với diện tích lúa có thể phục hồi, điều chỉnh mực nước tiêu thoát đảm bảo cây lúa không bị đổ rạp, chỉ đạo kịp thời việc cấy dặm bằng mạ dự phòng hoặc lúa tỉa ở những khu ruộng cao lúa sinh trưởng phát triển tốt, không bị ảnh hưởng của mưa bão. Cùng với đó tăng cường chăm sóc, sử dụng các loại phân bón kích thích ra rễ, phân bón lá thích hợp chứa dinh dưỡng trung, vi lượng… giúp cây phục hồi nhanh.Đối với những ruộng bị thiệt hại nặng không thể khôi phục được do ảnh hưởng của mưa bão, tổ chức gieo cấy lại bằng mạ dự phòng hoặc mạ sân hoặc gieo sạ bổ sung bằng giống lúa ngắn ngày và cực ngắn. Đối với diện tích rau màu bị thiệt hại hoàn toàn, Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương tạm dừng xuống giống khi thời tiết còn chưa thuận lợi. Đồng thời chuẩn bị hạt giống rau màu sẵn sàng, để gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi, nhất là các loại rau ngắn ngày, đảm bảo không để tình trạng khan hiếm rau xảy ra.Với ruộng ngập thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi cần phun một số loại thuốc phòng trừ nấm hại, kết hợp chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân... liều lượng phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chăm sóc bổ sung, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh phục hồi.Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương bị thiệt hại cần khẩn trương rà soát diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiêp, cây ăn quả bị thiệt hại, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục sản xuất. Ngoài ra, phân công cán bộ bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời.