Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẩn trương ứng phó với mưa, bão lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoãn các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoãn các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão. 

Triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bão

Công điện của Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, nhất là “4 tại chỗ”. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để người dân biết chủ động phòng chống bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Đối với các địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ; các tỉnh, TP ven biển rà soát, chủ động thực hiện sơ tán, di dời dân tại các khu vực nguy hiểm như vùng thấp trũng; các tỉnh trung du, miền núi tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn. 
Đường đi của bão số 2 tính đến 23 giờ ngày 17/7 (ảnh trên); Trạm bơm Yên Sở (Hà Nội) sẵn sàng bơm tiêu úng do mưa lớn (ảnh trái); Tại vùng biển Hải Phòng, công tác gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh trú bão được triển khai quyết liệt, khẩn trương (ảnh phải).
Đường đi của bão số 2 tính đến 23 giờ ngày 17/7 (ảnh trên); Trạm bơm Yên Sở (Hà Nội) sẵn sàng bơm tiêu úng do mưa lớn (ảnh trái); Tại vùng biển Hải Phòng, công tác gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh trú bão được triển khai quyết liệt, khẩn trương (ảnh phải).
 
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ huy PCLB T.Ư, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổ chức sáng 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, các tỉnh, TP, bộ, ban ngành liên quan cần tiếp tục theo dõi diễn biến bão, đặc biệt là khả năng tác động đến vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Ninh. Bộ NN&PTNT thành lập các tổ công tác, trực tiếp xuống các tỉnh, TP để thị sát công tác PCLB tại địa phương...

Ứng trực 24/24 giờ 

Chiều 17/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có công điện khẩn số 10 yêu cầu các địa phương, các cấp các ngành, tập trung các nhiệm vụ phòng chống bão  số 2 (Rammasun). Theo đó, thủ trưởng các cấp, các ngành thực hiện nghiêm Công điện số 1245/CĐ-TTg ngày 17/7 của Thủ tướng Chính phủ; Cộng điện số 05/CĐ-TW ngày 15/7 của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư và Cộng điện số 02/CĐ-PCLB ngày 16/7 của Ban chỉ huy PCLB TP;... Công điện yêu cầu Ban chỉ huy PCLB các quận, huyện, thị xã; các sở, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, kiểm tra, rà soát chủ động các phương án phòng chống, bảo vệ sản xuất, chủ động bơm tiêu nước đệm bảo vệ hồ đập thủy lợi. Kiểm tra, rà soát các công trình chống úng ngập, tăng cường tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của Bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện về Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB TP. 

Hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra

Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã chủ trì cuộc họp triển khai phòng chống bão số 2. Tại buổi làm việc, đại diện các Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) TP, Bộ Tư lệnh Thủ đô, các Sở NN&PTNT, GTVT, Công Thương, Tài chính... đã báo cáo nhanh công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó. Theo đó, hầu hết các đơn vị đã chuẩn bị tương đối chu đáo cũng như lên các phương án ứng phó với sự cố do bão có thể gây ra.  

Sau khi nghe các đơn vị đóng góp ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt nhấn mạnh, bão số 2 là cơn bão lớn, diễn biến khó lường, chính vì vậy, các sở, ban ngành liên quan cần theo dõi sát diễn biến của bão và khẩn trương triển khai các phương án phòng chống. Cụ thể, đối với ngành nông nghiệp, Phó Chủ tịch yêu cầu tập trung bơm tiêu nước đệm, chuẩn bị sẵn sàng cho việc vận hành các trạm bơm tiêu, hệ thống thủy lợi. Các công ty thủy lợi kiểm tra lưu lượng hồ chứa, đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ khi mực nước ở các sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy... lên cao. Sở Xây dựng phân công ứng trực 24/24 giờ tại các điểm úng ngập, phối hợp với Sở GTVT xử lý các tình huống, đồng thời cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân biết; rà soát các khu chung cư, tập thể, nhà cấp 4 yếu, nứt và xây dựng phương án di dời trong trường hợp khẩn cấp; tập trung kiểm tra an toàn các công trình xây dựng cao tầng trên địa bàn TP, có thể đề nghị dừng thi công nếu nguy hiểm. Đối với Sở GTVT, trong trường hợp mưa lớn, cần đánh giá mức độ an toàn của việc lưu thông, có thể cho dừng các hoạt động giao thông trong trường hợp không đảm bảo an toàn. 

Bộ Tư lệnh Thủ đô, bên cạnh công tác sẵn sàng ứng trực tìm kiếm cứu nạn, cần chuẩn bị tốt các phương án xử lý khi có sự cố về đê, kè, hồ đập... Bên cạnh đó, các sở, ban ngành cần thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thường xuyên theo thẩm quyền với tinh thần chủ động, tích cực trong việc xử lý các tình huống. 

 
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Đông Đông Bắc. Dự báo, bão số 2 sẽ đổ bộ vào ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình trong sáng 19/7, gió có thể mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13 khi đổ bộ. Vùng biển từ Nam Định đến Ninh Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng cấp 8, cấp 9. Từ ngày 18 - 22/7, bão sẽ gây ra các đợt mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với tâm mưa lớn khoảng từ 200 - 300mm/đợt.