“Khát” một khu chợ điêu khắc dân sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những người làm điêu khắc cảm thấy buồn khi chứng kiến “đứa con tinh thần” của mình bị bỏ rơi, trong khi các tòa nhà, trụ sở, nơi công cộng lại trưng bày hiện vật ngoại lai.

Bởi vậy, họ đang khao khát một khu chợ điêu khắc dân sinh.

Nhan nhản linh vật ngoại lai

Tại lễ phát động “Cuộc vận động sáng tác và triển lãm tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc ở khuôn viên trụ sở khu đô thị, nơi công cộng” do Cục Mĩ thuật, nhiếp ảnh & triển lãm (Cục MTNA&TL) tổ chức sáng 15/4, Cục trưởng Cục MTNA&TL Vi Kiến Thành thẳng thắn: “Nhìn các tòa nhà, khu đô thị ở Hà Nội hầu hết đều trang trí hiện vật du nhập từ nước ngoài, lại không theo một trật tự, nguyên tắc, mẫu biểu trưng nào”. Ông Thành ví von tượng ngựa đặt trước cửa, trên nóc cổng chào (Khu đô thị Ciputra) giống như những chú chó mỗi con chạy 1 hướng. Hơn thế, cũng dễ bắt gặp các tòa nhà, trụ sở, cơ quan Nhà nước linh vật ngoại lai hai bên cổng.
Công nhân chế tác linh vật trong một xưởng đá mỹ nghệ tại Ninh Bình.
Công nhân chế tác linh vật trong một xưởng đá mỹ nghệ tại Ninh Bình.
Mấy chục năm trong nghề, KTS Nguyễn Tiến Thuận đau đáu: “Tôi thấy đau cho những tác phẩm để ngoài trời, có khi bị người dân viết, vẽ bậy lên, phơi giẻ lau lên, rồi vứt rác bừa bãi xung quanh. Và càng buốt lòng vì trong môi trường công chúng còn thiếu sự tôn trọng với các tác phẩm như thế thì việc họ chạy đến chỗ chúng ta để mua các tác phẩm là điều hiếm”.

Đừng thụ động… chờ

Cách đây 2 năm, Cục MTNA&TL đã đề xuất lãnh đạo Bộ VHTT&DL ra văn bản yêu cầu không sử dụng linh vật lạ ở nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành MTNA&TL thừa nhận: “Luật Di sản không can thiệp được. Chúng ta chỉ khuyến cáo không nên dùng linh vật ngoại lai”. Vậy không nên dùng những hiện vật đó thì dùng cái gì? Trả lời cho câu hỏi này, Cục MTNA&TL đã mở cuộc vận động sáng tác để tạo ra những mẫu, biểu trưng kiến trúc, tác phẩm điêu khắc thay thế vị trí linh vật ngoại lai. Theo nhà điêu khắc Lưu Giang Thanh, đích đến của cuộc vận động là bày ra mâm cỗ tác phẩm điêu khắc. Cỗ không có người ăn sẽ lãng phí, thế nên để cuộc vận động thành công, Cục MTNA&TL cần kết nối các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ với DN, các chủ đầu tư để cùng bàn luận về vấn đề này. Và phải làm sao để ngay từ khi thiết kế tòa nhà, công trình, các chủ đầu tư đã đặt hàng tác phẩm trang trí. Ở góc nhìn khác, ông Thuận cho rằng, muốn đạt mục đích, phải có một khu chợ trưng bày các mẫu điêu khắc, giống như một khu chợ dân sinh để phục vụ nhu cầu trang trí của các chủ đầu tư và người dân. Khu chợ này sẽ dần tác động vào nhận thức của người dân để họ thấy sử dụng tác phẩm văn hóa bản địa là ưu việt hơn cả. Đây chính là đích đến thực sự, chứ không chỉ là tìm các tác phẩm nghệ thuật biểu trưng.            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần