Đó là cách di chuyển trong gần 30 năm qua của người dân hai xã Quảng Bị và Hồng Phong, huyện Chương Mỹ. Nỗi lo tai nạn thường trực, nhưng ước mong về một cây cầu của người dân nơi đây vẫn rất xa vời. “Đánh đu” với số phận Khi chúng tôi “mục sở thị” bến đò, bà Nguyễn Thị Chải, ở đội 9, thôn 5 xã Quảng Bị – chủ con đò đu dây “mời” đi thử… cho biết. Lối lên thuyền là một tấm gỗ ván cũ vừa khít bánh xe máy. Chiếc thuyền làm bằng bê tông, nhưng đã nứt vỡ nhiều. Mặt thuyền được lắp ráp bằng những tấm gỗ, phần lớn đã mục nát theo mưa nắng. Bà Chải kéo sợi dây sắt để thuyền di chuyển từ từ qua từng mét sông. Đang mùa nước lặng, nhưng có thể cảm nhận được độ rung lắc của chiếc thuyền. Mấy người dân đi cùng thuyền nhìn tôi cười bảo: “Chú đi qua đây lần đầu hả? Ngồi yên kẻo ngã xuống sông đấy…”.
Gần 30 năm lái đò chở người qua sông, bà Chải bảo, chưa từng để xảy ra vụ lật, chìm thuyền gây thương tích, nhưng những vụ người dân bị ngã, phương tiện bị đổ xuống sông do sơ ý hoặc dòng chảy thay đổi đột ngột thì nhiều không kể siết. Bà Chải thật thà chia sẻ: Mùa này nước cạn, đi lại bớt lo. Chứ vào mùa mưa, nước lớn, lòng sông rộng gần 100m, sâu cả chục mét, khách vãng lai đi đò qua sông không quen thì sợ xanh mặt... Nhiều bất trắc vậy nhưng đây lại là cách thức đi lại hàng ngày của hàng ngàn người dân Đầm Mơ (khu vực ven sông Bùi thuộc thôn 5, xã Quảng Bị và thôn Mới – khu chợ Sẽ, xã Hồng Phong) mỗi khi muốn qua lại đôi bên bờ sông. Điều đáng lo ngại, mỗi ngày có hàng chục học sinh thôn 5 cũng thường xuyên đi đò qua sông để học tại trường THPT Đồng Phú. Không an toàn nhưng vẫn phải đi Theo nhiều cư dân, cách đây vài chục năm, do nhu cầu đi lại của người dân lớn, UBND xã Quảng Bị đã đồng ý cho lập bến đò Đầm Mơ. Gia đình bà Nguyễn Thị Chải đã nhận đầu tư đò chở người dân qua sông. Theo đó, toàn bộ người dân thôn 5 đóng góp tổng cộng 4,5 tạ thóc (khoảng 2,6 triệu đồng) cho 6 tháng được bà Chải chuyên chở qua sông. Đối với khách vãng lai, bà Chải được phép thu phí từ 2.000 – 4.000 đồng/người/lượt. Ông Lại Thanh Minh – cán bộ giao thông thủy lợi UBND xã Hồng Phong cho biết, việc đi lại qua sông vào mùa nước lớn (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm) rất nguy hiểm. Để tránh việc người dân tự ý chở người qua sông vào mùa mưa bão, cứ “đến hẹn lại lên”, chính quyền địa phương lại phải ra bến khóa đò lại, không cho hoạt động. Tuy nhiên, khóa đò rồi, thì người dân lại tự ý chèo bằng thuyền nhỏ hơn để qua sông. Mối nguy hiểm khi đó còn lớn hơn. UBND xã Hồng Phong và Quảng Bị cũng đã yêu cầu bà Chải phải trang bị áo phao, nhưng do điều kiện kinh tế eo hẹp nên bà không thể đáp ứng. Dù vậy, do nhu cầu đi lại của người dân nên chính quyền hai xã vẫn phải để bến đò hoạt động. Nhiều người dân thôn 5 xã Quảng Bị cho biết, nếu không di chuyển bằng đò qua sông, họ vẫn có thể đi theo lối đường bộ dọc đường liên xã tới mua bán ở chợ Quảng Bị, thay vì khu chợ Sẽ. Tuy nhiên, chợ Quảng Bị chỉ mở một tháng 6 phiên, trong khi, nhu cầu mua bán của người dân diễn ra hàng ngày. Thêm nữa, chợ Quảng Bị cách điểm dân cư thôn 5 tương đối xa (quãng từ 3 – 5km) khiến nhiều người dân rất ngại phải di chuyển. Như lời chị Trịnh Thị Quyên ở thôn 5: “Chẳng nhẽ đi chợ mua mớ rau mà phải đi xa vài ba cây số. Tiền xăng xe cũng không lại được…”. Cũng phải nói thêm, là những địa phương còn nhiều khó khăn nên rất nhiều hộ gia đình nơi đây không có xe máy, hoặc không thể sử dụng xe máy để di chuyển. Mỏi mắt chờ… dự án
Dù có thu nhập từ việc chở đò qua sông, tuy nhiên theo bà Chải, công việc này khá vất vả. Bà Chải bộc bạch: Tôi chỉ mong Nhà nước quan tâm, làm cho dân cái cầu. Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Vũ Văn Mạnh cho biết, dự án xây dựng cầu Đầm Mơ đã được phê duyệt năm 2012 nhưng đến nay chưa làm được vì thiếu vốn. Về tiến độ triển khai dự án xây cầu Đầm Mơ, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Lũy cho biết, do dự án sử dụng nguồn vốn TP đầu tư nên địa phương đang chờ Sở GTVT báo cáo TP xem xét, bố trí vốn. Khi được hỏi, hầu hết người dân nơi đây đều nhận thức được những nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn khi di chuyển bằng đò đu dây qua sông. Tuy nhiên, do thói quen đi lại hàng chục năm qua, và trên hết là để có được miếng cơm manh áo hàng ngày, họ đành bất chấp hiểm nguy tính mạng. Nếu như không được TP bố trí vốn để sớm triển khai, người dân đôi bờ sông Bùi sẽ vẫn ngày ngày phải “đánh đu” với số phận để qua lại khúc sông này. Và ước vọng Đầm Mơ sẽ vẫn còn tiếp tục nối dài.
Người dân hai xã Quảng Bị - Hồng Phong đang ngày ngày trông ngóng một cây cầu. Ảnh: Trọng Tùng |
Ông Nguyễn Khả Phẩm, trưởng thôn 5 ngậm ngùi: Đã có một số đoàn công tác đã tới đây khảo sát, khoan thăm dò ven sông. Người dân cứ hồi hộp, chờ đợi trong khấp khởi mừng thầm. Vậy mà mãi chẳng thấy cầu đâu… |