Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khéo chọn thời điểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại buổi tiếp xúc với báo chí chiều 21/12, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức công bố Thông tư số 38/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện.

Theo đó, kể từ ngày 22/12, giá bán điện bình quân là 1.437 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 68 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.369 đồng/kWh).

Tăng giá để… bù lỗ

Trong biểu giá mới mà EVN đưa ra, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang có mức tăng từ 66 - 115 đồng/kWh tùy mỗi bậc thang, riêng bậc thang đầu tiên dành cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức 933 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện cho sản xuất đối với cấp điện áp từ 110kV trở lên trong các giờ cao điểm, bình thường và thấp có giá từ 754 - 2.177 đồng/kWh; tương tự đối với cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV có giá 783 - 2.263 đồng/kWh...

Như vậy, trong năm 2012 giá điện đã có hai lần điều chỉnh mức tăng 5% (lần tăng giá điện gần nhất là 1/7/2012) và đây là lần thứ 6 nếu tính từ năm 2009. EVN cũng đã gửi thông báo đến các đơn vị trực thuộc chuẩn bị phương án chốt chỉ số vào ngày 22/12 để làm cơ sở tính tiền điện theo biểu giá mới. Đại diện EVN khẳng định, lần điều chỉnh giá điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo cơ cấu được quy định tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Khéo chọn thời điểm - Ảnh 1

Công nhân ngành điện đang bảo dưỡng, nâng công suất tại một trạm biến áp. Ảnh: Đông Dương.

Theo đó, giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp không điều chỉnh, giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh. Các mức tăng tương ứng từ 100 kWh/tháng là 6.600 đồng/tháng, 150 kWh/tháng tăng 11.000 đồng/tháng, 200 kWh/tháng tăng 16.200 đồng/tháng,…

Lý do mà EVN đưa ra cho lần tăng giá này là để bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than, tăng giá khí, quyết toán sản lượng vượt bao tiêu khí và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá bán điện.

 Sau nhiều lần trì hoãn việc tăng giá, EVN đã "khôn khéo" chọn thời điểm dịp cuối năm khi các số liệu thống kê năm 2012 đang được hoàn thiện. Điều đó có nghĩa là các chỉ tiêu kinh tế đã chốt sổ mà không bị tác động từ việc tăng giá điện.

Bù hết lỗ, giá có hạ?

Hồi đầu tháng này, trong một cuộc họp báo, số liệu cập nhật của EVN cho thấy, kinh doanh điện trong năm 2011, EVN bị lỗ 5.297 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ có thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện như tiền bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần phát điện, thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện trong năm 2011 nên thực tế EVN chỉ bị lỗ 3.181 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2011, chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ của EVN đang ở mức là 26.669,27 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn chưa được phân bổ là 64,26 tỷ đồng. Với gần 26.700 tỷ đồng này, Quyết định 854/2012/ QĐ- TTg của Chính phủ phê duyệt đã cho phép EVN xem xét đề xuất xử lý trong vòng 5 năm (đến 2015) thông qua phân bổ vào giá bán. Tuy nhiên, đối với năm 2012, EVN chỉ đưa vào giá thành những khoản đến hạn trả nợ chứ chưa đưa vào phân bổ 26.700 tỷ đồng do lo ngại "gây sốc" cho nền kinh tế. Và thực tế, mới đây số liệu mà Tập đoàn này đưa ra cho thấy, năm 2012 EVN đã có lãi và sẽ bù lỗ của những năm trước khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng tùy thuộc vận hành của thủy điện.

Có lãi để bù lỗ các năm trước, nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong băn khoăn, tăng giá để bù lỗ, vậy sau khi đã bù hết lỗ, liệu EVN có giảm giá cho người sử dụng. Bên cạnh đó, mức tăng giá 5%, biểu giá mà EVN đưa ra đã được kiểm toán chưa? Việc tăng giá liệu có phải là kênh duy nhất để tái đầu tư cho ngành điện hay đã đến lúc ngành điện phải xây dựng cho mình phương án thu hút xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia? Những câu hỏi này đang rất cần được EVN giải đáp cụ thể.

Lạm phát sẽ biến động sau quyết định này, bởi điện là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành như sắt, thép, xi măng. Khi đầu vào biến động, đầu ra cũng sẽ tăng và cuối cùng chính người dân lại phải gánh chịu hậu quả. Tăng giá điện 5% có thể khiến người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp tiết kiệm song thời điểm áp dụng rơi đúng vào "năm cùng tháng tận" sẽ gây sốc tâm lý cho người dân. Giá điện tăng vào thời điểm cuối tháng 12, lạm phát sẽ "ngấm đòn" từ tháng sau và đến Tết Nguyên đán".

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Theo quy hoạch phát triển điện VII, chỉ còn khoảng 8 năm nữa, tổng công suất các nhà máy điện phải lên tới 75.000 MW. Chính vì thế, mấu chốt vấn đề là cần phải tập trung đẩy mạnh tiến độ để xây dựng các dự án, đồng thời đưa ra cơ cấu giá bán điện hợp lý mới có thể đạt mục tiêu đề ra. Chính vì thế, giá điện phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành