Mô hình xin lỗi công dân khi chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính đang được nhiều địa phương trên cả nước triển khai. Đây được coi là nét mới trong công tác cải cách hành chính, tạo được sự gần gũi, niềm tin giữa người dân với chính quyền.
Đáng chú ý hơn là mô hình xin lỗi công dân được thực hiện bằng nhiều hình thức theo quy trình chặt chẽ.
Bà Ngô Thị Tuyền khá bất ngờ khi đến ngày lên nhận kết quả theo giấy hẹn đã được cán bộ ở bộ phận một cửa trao cho một lá thư xin lỗi của UBND quận Long Biên- Hà Nội vì sự chậm trễ trong hồ sơ làm sổ đỏ của gia đình bà. Càng bất ngờ hơn khi bà Tuyền nhận được thái độ rất nhã nhặn kèm lời xin lỗi của cán bộ này.
Cầm trên tay thư xin lỗi có chữ ký của lãnh đạo quận Long Biên, mọi bức xúc của bà Ngô Thị Tuyền ở phường Đức Giang về việc không được trả kết quả đúng hẹn dường như đều tan biến. Bà Tuyền chia sẻ, nhận được lời xin lỗi bà chấp nhận và thông cảm với cơ quan hành chính và tin tưởng “khi nhận lỗi nghĩa là người ta đang làm tốt”.
Từ năm 2014, quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã thực hiện mô hình xin lỗi công dân khi chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất. Cách làm này của quận Long Biên là học tập kinh nghiệm về giải quyết thủ tục hành chính của Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh trước đó.
Cho đến nay, ngay khi có chỉ thị của Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đã có rất nhiều địa phương cũng thực hiện mô hình xin lỗi này và nhận được sự đồng tình rất lớn của người dân như Quảng Nam, Đồng Nai,
Ông Nguyễn Hải Đơ, phố Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cho biết, mô hình này không chỉ thể hiện sự tôn trọng người dân mà còn tạo được niềm tin, sự gắn kết giữa cơ quan công quyền với nhân dân.
“Ngay bây giờ tâm trạng của tôi vui, không mệt mỏi, và khi cầm được giấy hẹn, lời xin lỗi có con dấu ấy, tôi rất tin tưởng lần tiếp theo tôi đến sẽ được nhận đầy đủ hồ sơ của mình”, ông Đơ bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Huỳnh, ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, cùng với lời xin lỗi chuẩn mực, người dân mong muốn các thủ tục hành chính sẽ được đôn đốc giải quyết thật nhanh chóng ngay sau đó để trả kết quả cho người dân nhanh nhất, như vậy lời xin lỗi mới có sức nặng và không sáo rỗng.
Tuy nhiên, ông Huỳnh cũng cho rằng, xin lỗi chỉ là một bước, bước quan trọng hơn là khi đã nhận ra lỗi thì phải khắc phục,tức là phải giải quyết cho được, cho nhanh cái lỗi ấy, điều ấy mới là quan trọng.
Chỉ đơn giản là thái độ lịch thiệp, tác phong chuẩn mực hay tờ giấy với nội dung xin lỗi vì đã chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính nhưng sức nặng của nó thì vô cùng lớn. Nó không dừng lại ở việc thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử của công chức, viên chức, hướng đến nền hành chính vì dân mà còn tạo mối quan hệ thân thiện giữa chính quyền và người dân, niềm tin của nhân dân vào chính quyền ngày càng được củng cố.
Kinhtedothi - Khi chính quyền nói xin lỗi công dân |