Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi cơ quan quản lý hết kiên nhẫn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện về trọng tài đang khiến dư luận tốn nhiều giấy mực. Người thì ủng hộ những động thái mạnh mẽ từ Ban tổ chức (BTC) giải V.League.

Ý kiến khác thì cho rằng nó quá nặng, không dựa trên những cơ sở pháp lý và chẳng giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Con hư tại mẹ?

Chỉ một vòng đấu, có quá nhiều sự cố liên quan đến các “ông vua sân cỏ”. Người ta ghi nhận có ít nhất 4 trận đấu, trọng tài đưa ra quyết định gây tranh cãi. Thế nhưng, cuối cùng chỉ có một trọng tài được đưa ra làm "án điểm", đó là trường hợp của ông Hà Anh Chiến. Có thể, việc loại trọng tài này vĩnh viễn khỏi sân chơi chuyên nghiệp sẽ gây ra những tranh cãi trong dư luận, nhưng ở một góc độ khác, nó dần cho thấy những khoảng tối của lực lượng cầm cân nảy mực.
Án phạt treo còi vĩnh viễn với trọng tài Hà Anh Chiến liệu có quá nặng?
Án phạt treo còi vĩnh viễn với trọng tài Hà Anh Chiến liệu có quá nặng?
Nên nhớ rằng, trong thời gian qua, BTC giải đã có những động thái nhằm cải thiện đời sống trọng tài. Họ tin rằng, khi đời sống được cải thiện, các trọng tài sẽ không bị tác động bởi các yếu tố hậu trường. Và thế là dù bóng đá Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng mức thu nhập của trọng tài đã lên đến hàng triệu đồng một trận đấu. Đó là chưa kể đến chi phí ăn ở, đi lại và tính ra, mỗi tháng trọng tài có thu nhập hàng chục triệu đồng dù đây chỉ là nghề tay trái.

Có thể “sống khỏe” về nghề nhưng những ì xèo về lực lượng trọng tài vẫn không hề thuyên giảm. Thậm chí, qua từng vòng đấu, mối bức xúc của các đội bóng, cầu thủ có xu hướng tăng lên. Nói đâu xa, 2 cầu thủ nổi tiếng hiền lành là Văn Quyết, Văn Toàn đã không thể giữ nổi bình tĩnh để rồi có hành động tấn công trọng tài. Văn Toàn thì bị cảnh cáo, trong khi Văn Quyết bị cấm liền 6 trận và loại khỏi Đội tuyển quốc gia.

Cách đây không lâu, để bảo vệ trọng tài trước những bình phẩm, BTC giải còn ra văn bản yêu cầu các cá nhân không được bình luận về trọng tài. Các kết luận về tình huống nhạy cảm và hướng xử lý của BTC giải đối với trọng tài cũng không được công khai. Người ta viện cớ rằng, như thế mới chuyên nghiệp, còn dư luận thì chẳng hiểu trọng tài đó có phải trả giá vì sai sót của mình hay không?

Phải đối diện sự thật

Khi dư luận và các cơ quan quản lý hết kiên nhẫn với đội ngũ trọng tài thì BTC giải cũng cần phải xem lại. Họ phải đối diện với sự thật, không được phép bao che “người nhà”, hoặc có xử lý thì cũng theo hướng “thí tốt” làm vừa lòng dư luận. Một khi cuộc chơi không được điều hành theo những nguyên tắc chuyên nghiệp, công bằng thì rất khó đạt đến cái đích cuối cùng.

Dư luận cho rằng, việc xử lý trọng tài Hà Anh Chiến hay thuê trọng tài ngoại trong thời gian tới đây không thể giải quyết được cái gốc của vấn đề. Điều mà BTC giải cần phải làm là gỡ bỏ tấm “áo giáp” vốn đã trang bị cho các trọng tài. Họ phải đối diện với dư luận, với cuộc chơi như một thành phần bình thường nhất của giải đấu. Có công thì thưởng, sai sót thì phạt và sẵn sàng đón nhận sự phản biện từ dư luận, các đội bóng đối với bất cứ quyết định nào của mình. Và thêm nữa, “ném chuột thì đừng sợ vỡ bình”. Các quyết định kỷ luật từ BTC giải phải cho thấy sự đồng bộ, hiệu quả, công tâm chứ không nhằm thỏa mãn cơn bức xúc từ dư luận.