Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi cuộc chơi có người bỏ cuộc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ 14 CLB tham dự như các năm trước, V-League 2013 chỉ có 12 đội nhưng con số ấy còn có thể bị rút bớt. Hôm rồi, phát biểu trên báo chí, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã tiết lộ một thông tin khá “nhạy cảm”, rằng có 1 CLB chắc chắn sẽ bỏ cuộc giữa chừng nếu như 2 trận tới tiếp tục thua.

Khi V-League 2013 đi qua hai vòng đấu đầu tiên, có ba CLB chưa có chiến thắng là Xi măng Vicem Hải Phòng, Becamex Bình Dương và Kienlongbank Kiên Giang. Trong số các đội này, K.Kiên Giang đang là đội gặp khó khăn nhất về cả tài chính lẫn chuyên môn. Sau 2 vòng đấu, Kiên Giang để thua cả 2 trận, ghi được 1 bàn thắng, thủng lưới 6 bàn, hiện đang xếp cuối BXH. Điều đáng quan tâm nhất, chính là đội bóng này đang nợ lương cầu thủ từ vài tháng và tình hình đến nay vẫn chưa có gì sáng sủa.

Khi cuộc chơi có người bỏ cuộc - Ảnh 1

Bởi vậy, nếu có đội tuyên bố bỏ cuộc thì đó sẽ là Kiên Giang đầu tiên. Tiếp đến, V.Hải Phòng cũng đang gặp khó khăn về tài chính như Kiên Giang, nhưng chưa đến mức bi đát. Việc CLB này mua lại suất của Khánh Hòa cho thấy đội bóng này không dễ bỏ cuộc.

B.Bình Dương bước vào mùa giải năm nay được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch, nhưng đội bóng này lại khởi đầu rất thất vọng. Nhưng, không ai cho rằng Bình Dương sẽ bỏ cuộc vì CLB này không gặp khó khăn về vấn đề tài chính khi họ vẫn mua sắm rầm rộ ở mùa giải năm nay. Thế nên, lãnh đạo CLB bất mãn vì đầu tư nhiều mà hiệu quả chẳng bao nhiêu. BD thi đấu thất thường, lãnh đạo cao nhất của CLB này cũng từng tuyên bố là sẽ giải tán đội nếu hai vòng đấu sắp tới không giành được chiến thắng.

Ai bỏ cuộc ở thời điểm này chưa thể kết luận, nhưng rõ ràng việc ông Hỷ tiết lộ thông tin trên chẳng khác nào “tung bom” với VPF. Trong bối cảnh VPF đang nỗ lực tổ chức giải vượt qua giai đoạn khó khăn, thì thông tin có đội chắc chắn bỏ cuộc của ông Hỷ cho thấy mối quan hệ giữa VFF và VPF vẫn ... trục trặc. VFF dường như vẫn chưa “ cộng đồng trách nhiệm” với VPF. Về mặt tổ chức, thiếu 1, 2 đội bóng thì VPF sẽ phải vất vả điều chỉnh lại lịch thi đấu. Thế nhưng sau nó là những hậu quả lớn cho cả làng BĐVN, cũng như ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Để được thi đấu V-League, các CLB phải hội đủ điều kiện của quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Bây giờ bỏ giải không đơn thuần chỉ là sự phá sản của một “doanh nghiệp bóng đá” mà có thể phá nền tảng phong trào khi không thể có một nền bóng đá chuyên nghiệp cấp quốc gia mà nếu người ta thích thì đổ tiền là có ngay đội bóng; không thích thì sẵn sàng dẹp bỏ CLB. Ở một nền tảng thiếu căn cơ như vậy, liệu rằng chúng ta lấy cơ sở nào để thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?

Trước tiết lộ gây “sốc” của Chủ tịch VFF, Trưởng BTC giải Trần Duy Ly một mặt khẳng định không có chuyện này. “Trách nhiệm của VPF, BTC giải trước những thông tin về tình hình khó khăn của các đội là động viên với các đội này cần gì thì chúng tôi sẽ chia sẻ, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo cá nhân tôi, không có chuyện đội nào bỏ cuộc giữa chừng”, ông Ly khẳng định.

Tuy nhiên, việc một số đội có thể bỏ cuộc vì lý do bất khả kháng, BTC giải cũng đã tính đến trường hợp này. Trong điều lệ giải đã quy định rất rõ ràng là nếu một đội nào bỏ cuộc, sẽ hủy toàn bộ các thành tích của các đội đá với đội đó. Đội đó ngoài chuyện bị loại khỏi giải, sẽ bị đánh xuống hạng ba. Ngoài việc hủy kết quả và loại đội bóng bỏ cuộc khỏi giải, VPF cũng không có chế tài xử phạt với những đội này. Theo điều lệ thi đấu V-League, hình phạt nặng nhất cho việc tự ý bỏ giải là phải xuống thi đấu giải hạng 3 mùa tới. Nghe có vẻ nặng nhưng thực tế, phạt như vậy cũng bằng không. Bởi một đội bóng đã không đủ tài chính và nhân sự để thi đấu thì cũng chẳng còn năng lực để duy trì CLB cho ra hồn. Khi đã quyết bỏ, gần như họ cũng chẳng còn thiết tha làm bóng đá nữa.

Cũng phải thấy ngay những cầu thủ hiện còn đang chơi bóng tại V-League thực sự đã đánh mất cảm hứng, đánh mất khát khao, động lực và niềm tin với nghề. Như  ở K.Kiên Giang tiền chuyển nhượng của các cầu thủ hầu hết đều chưa trả được nên họ tỏ ra bất mãn, thi đấu thiếu quyết tâm. Lương, thưởng (luôn chậm và thiếu), trong khi nhu cầu cuộc sống, với cơm, áo, gạo, tiền ngày một lớn khiến niềm tin vào nền bóng đá bị giảm thiểu đáng kể

Một lần nữa, lại thấy trách nhiệm và năng lực tổ chức quản lý bóng đá của nhiệm kỳ VFF 6 thật sự có vấn đề. Cũng may sắp đến nhiệm kỳ mới, may ra sẽ khá hơn!