Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi doanh nghiệp nợ thuế bị bêu tên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) do bị bêu tên trong danh sách nợ thuế, các DN đã buộc phải “vắt chân lên cổ” tìm nguồn trả nợ.

Doanh nghiệp “cực chẳng đã”

Hôm 8/4, lần thứ 4 trong năm 2016, Cục Thuế TP Hà Nội bêu tên 119 đơn vị nợ thuế, với tổng số 204,4 tỷ đồng. Vẫn như các lần trước, nằm top đầu về số nợ thuế, phí, nợ tiền thuê đất vẫn là khối DN hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hồng Hà nợ gần 21 tỷ đồng, Công ty TNHH Ngân Giang nợ hơn 11,5 tỷ đồng tiền thuê đất; Công ty CP Đầu tư xây dựng tư vấn thiết kế Constrexim nợ hơn 10,7 tỷ đồng tiền thuế, phí; Công ty CP Cầu 7 Thăng Long nợ hơn 6,5 tỷ đồng tiền thuê đất... Đều là những tên tuổi một thời nổi đình đám trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, tuy nhiên, hoạt động SXKD khó khăn đã đưa những DN này lên đầu bảng xếp hạng DN nợ thuế hiện nay.
Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. 	Ảnh:  Hải Linh
Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, DN làm ăn thua lỗ, sản xuất đình đốn... là nguyên nhân khiến nhiều DN phải đau đầu tính toán việc quay vòng vốn. Trả nợ ngân hàng, trả nợ thuế hay tiếp tục bơm vốn... để SXKD, chọn ưu tiên nào trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp là bài toán không dễ tìm lời giải. Qua quản lý và thu thập thông tin người nộp thuế, đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, nhiều dự án thiếu vốn, thậm chí không bố trí được vốn do chính sách tiền tệ, tín dụng thắt chặt. Nhiều công trình, chủ đầu tư có sử dụng vốn vay ngân hàng bị thiếu vốn, chậm trễ trong việc giải ngân, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SXKD của DN cũng như việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước.

Đại diện một DN trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ, nợ thuế vốn là chuyện “cực chẳng đã” với họ. Việc “nhúng chân” quá sâu vào một số dự án mất thanh khoản đã khiến DN mất cân đối tài chính. Nhưng với các dự án đã và đang triển khai có sức mua tốt, DN không thể dừng. “Không tiếp tục, không bán hàng thì không có nguồn thu. Với nguồn tài chính có hạn, chúng tôi không thể vừa trả nợ ngân hàng, vừa trả nợ thuế, vừa đầu tư SXKD” - vị đại diện này than thở.

Tìm mọi cách trả nợ

Bên cạnh giải pháp cưỡng chế tài khoản, hóa đơn, việc công khai danh tính DN nợ thuế trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng là giải pháp được đánh giá là hiệu quả trong thu hồi nợ thuế. Trong năm 2015, Bộ Tài chính thu được hơn 39.000 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng 27%. Dự kiến con số này còn cao hơn nữa trong năm 2016. Tại Hà Nội, quý I/2016, sau 3 đợt công khai 405 đơn vị nợ 1.069,1 tỷ đồng tiền thuế, phí, đến ngày 31/3/2016 đã có 235/405 đơn vị nộp 65,6 tỷ đồng tiền nợ thuế vào ngân sách.

Chị Nguyễn Hoàng Lan (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tình trạng người mua nhà tại một số dự án khi đi làm sổ đỏ mới phát hiện chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nên chưa được làm sổ diễn ra khá nhiều. Chính vì thế, chị đánh giá cao việc công khai các DN nợ thuế, phí quá thời gian quy định: “Như thế, người dân sẽ có cơ hội lựa chọn sản phẩm của những DN chấp hành pháp luật tốt, tránh rủi ro”.

Theo ông Nguyễn Trường Giang - đại diện Chi cục Thuế quận Thanh Xuân, nhiều DN khi bị công khai danh tính nợ thuế trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sợ mất uy tín, ảnh hưởng đến việc bán hàng đã tìm mọi cách để trả nợ. Đây là giải pháp hiệu quả để việc thu nợ tốt hơn. Đại diện cơ quan thuế Hà Nội nhận định, việc công khai danh sách DN nợ thuế có tác động trực tiếp không chỉ với đơn vị nợ thuế mà còn là cảnh báo với các đơn vị nợ khác. Cơ quan thuế luôn ưu tiên các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, với những DN chây ỳ, cơ quan thuế sẽ áp dụng các giải pháp quyết liệt để thu nợ. Đây là việc làm cần thiết, bảo đảm sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Không chỉ triển khai hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ gia hạn nợ, xóa nợ thuế, không tính tiền chậm nộp theo quy định và giải quyết hồ sơ kịp thời…, thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội còn kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, Cục đã trình Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho phép xuất hóa đơn bán lẻ đối với đơn vị bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn, giải quyết không tính tiền chậm nộp với các đơn vị thi công công trình vốn ngân sách Nhà nước nhưng là nhà thầu phụ... Những kiến nghị này đã được Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế ban hành văn bản giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho DN.