Con tàu chở khí đốt của Mỹ sẽ cập bến cảng Bồ Đào Nha vào cuối tháng 4 gây ra nhiều đồn đoán về sự tràn ngập khí đốt từ Mỹ tại thị trường châu Âu và có thể nhấn chìm nguồn cung của Nga.
Tàu chở khí đốt của Mỹ sẽ cập cảng Bồ Đào Nha vào cuối tháng này.
|
Châu Âu vốn là thị trường dầu khí truyền thống của Nga trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, sự hiện diện của các tập đoàn của Mỹ sẽ gây ra một cuộc chiến giá cả trên thị trường này.
Mỹ lần đầu tiên bắt đầu xuất khẩu khí đốt hồi tháng 2 với lô hàng của tập đoàn Cheniere Energy xuất sang Brazil. Sự bùng nổ của công nghệ khai thác khí đá phiến sét đã giúp Mỹ từ chỗ phải nhập khẩu khí đốt đã tự chủ được nguồn cung và tiến tới xuất khẩu. Chính sự "thừa mứa" từ các kho dự trữ của Mỹ đã gây ra tình trạng dư cung và làm giá dầu lao dốc trong suốt 2 năm qua. Thậm chí, các chuyên gia dự đoán, đến năm 2017, Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí gas sạch lớn nhất thế giới.
Mặc dù, đại diện tập đoàn Gazprom tuyên bố không có kế hoạch tham gia một cuộc chiến giá cả với Mỹ nhưng nếu giá khí hóa lỏng LNG của Mỹ giảm thì tập đoàn này cũng phải cố gắng cắt giảm chi phí. Vì vậy, trong thời gian tới, để bảo vệ thị phần của mình tại châu Âu, các tập đoàn của Ngasẽ hạ giá gas dành cho người tiêu dùng tại Lục địa già.
Thủ tướng Nga D.Medvedev vẫn lạc quan về triển vọng xuất khẩu khí đốt sáng châu Âu.
|
Hồi đầu tháng, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng nhận định, bất chấp sự suy giảm của thị trường nhiên liệu, tập đoàn Gazprom vẫn có thể bù đắp thua lỗ nhờ mở rộng khối lượng cung ứng. Ngay cả trong kịch bản xấu nhất, nhà lãnh đạo Nga vẫn lạc quan tình hình xuất khẩu khí đốt của nước này sang châu Âu sẽ không thấp hơn mức năm ngoái.
Năm 2015, tập đoàn Gazprom đã cung cấp sang thị trường châu Âu 158,5 tỷ m3 khí đốt, tăng thị phần của mình lên 31%, và xuất khẩu nhiều hơn gần 1/3 so với đối thủ cạnh tranh gần nhất là Na Uy.
Dù giá nhiên liệu liên tục giảm, xuất khẩu khí đốt sang châu Âu vẫn giúp tập đoàn Gazprom có lãi.
|
Trong 3 năm qua, Gazprom đã xuất sang châu Âu 467,5 tỷ m3 khí đốt, tương đương với 1/3 lượng tiêu thụ gas của các nước châu Âu. Không chỉ tiếp tục giữ vững vị thế nhà cung cấp gas lớn nhất trên thị trường châu lục, nhờ sự mất giá của đồng rúp, lãi ròng của Gazprom trong năm ngoái đã tăng hơn 2 lần và đạt gần 403,52 tỷ rúp.
Nhu cầu khí đốt từ Nga của các nước châu Âu vẫn rất cao, cho thấy, Mỹ - dù mang tư cách là đồng minh của nhiều quốc gia châu Âu chưa chắc đã giành được ưu thế trên thị trường giàu có này. Trên thực tế, chỉ trong quý I vừa qua, Gazprom đã tăng lượng khí đốt cung cấp sang Anh tăng 242,6%, sang Hà Lan tăng 122,7%.