Kinhtedothi - Trong thời gian tới, ĐTQG sẽ có chuyên gia thể lực. Đó là yêu cầu tiên quyết của HLV Hữu Thắng với VFF trước khi bước vào giai đoạn tăng tốc chuẩn bị cho AFF Cup 2016, nhằm mục tiêu vào chơi ở trận chung kết.
HLV trưởng ĐTQG Nguyễn Hữu Thắng
Thông thường thì ở Việt Nam, các đội bóng không có chuyên gia về thể lực. Việc chuẩn bị thể lực cho các cầu thủ do chính các HLV thực hiện. Chăm sóc y tế được giao cho các bác sĩ với hiểu biết và kỹ năng vừa phải. Toàn bộ việc chuẩn bị nền tảng thể lực, chăm sóc y tế cho các cầu thủ thường được thực hiện thông qua kinh nghiệm bản thân của HLV và bác sĩ đội bóng. Khi còn là cầu thủ, HLV được thầy của mình huấn luyện thế nào thì nay họ lại dạy học trò của mình thế đó. Những bài tập về thể lực của các HLV nội vì thế mà thường nhàm chán, không lôi cuốn được cầu thủ. Hệ quả là dù có hàng tháng trời tập thể lực nhưng khi vào giải đấu chính thức, các cầu thủ vẫn xảy ra tình trạng "hết pin". Các đội bóng Việt Nam hiểu khá đơn giản về công tác chuẩn bị thể lực và chăm sóc y tế cho các cầu thủ. Ở các đội bóng mạnh, các HLV thể lực là người đưa ra giáo án tập luyện chứ không phải HLV trưởng. Các bài tập được nghiên cứu một cách khoa học, đa dạng, phù hợp với từng cầu thủ chứ không áp dụng một cách máy móc cho số đông như ở Việt Nam. Chưa hết, các bác sĩ ở ĐT phải là người có chuyên môn sâu về hồi phục nhằm giúp các cầu thủ nhanh chóng trở lại sau chấn thương, hoặc lấy lại thể trạng tốt nhất sau thi đấu. Rào cản về ngôn ngữ cùng với việc thiếu sự phân biệt rạch ròi về chuyên ngành HLV khiến ở Việt Nam hiện tại không có những chuyên gia thể lực thực thụ, các HLV trưởng vẫn phải kiêm nhiệm. Nhưng ở ĐTQG với áp lực nặng nề về thành tích thì điều này không thể chấp nhận. Và thế là HLV Hữu Thắng đã quyết định đưa ra yêu sách với VFF. Đó là việc ông cần có được sự hỗ trợ từ một chuyên gia thể lực giỏi đến từ nước ngoài. Đương nhiên, vì cái chung, VFF phải chấp nhận đề nghị của vị HLV trưởng ĐTQG dù chi phí cho một chuyên gia thể lực giỏi không hề rẻ chút nào. Thậm chí, mức lương của vị trợ lý thể lực còn cao hơn mức lương của HLV trưởng Hữu Thắng. Hiện tại, VFF đang liên hệ với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan để có được lựa chọn phù hợp nhất cho ĐTQG. Dự kiến, đến trước tháng 10 tới, chuyên gia thể lực sẽ góp mặt cùng ĐTQG trong hành trình chuẩn bị cho AFF Cup. ĐT có thế mạnh riêng và họ đủ sức tiến hành sự thay đổi nếu cần thiết cho chuyên môn. Nhưng, gốc rễ của nền bóng đá lại không nằm ở ĐT. Vậy nên, một cuộc cách mạng về công tác chăm sóc sức khỏe, huấn luyện về thể lực cho các cầu thủ chỉ thực sự diễn ra nếu ở các đội bóng người ta chấp nhận thay đổi tư duy quản lý của mình. Có nghĩa là công tác chăm sóc y tế, huấn luyện thể lực phải được đặt đúng ở vị trí trung tâm thay vì bị xem nhẹ như hiện nay.