Mua đứt Công Vinh
CLB SLNA vừa nhận được một lời đề nghị khó cưỡng là chuyển nhượng Công Vinh với số tiền hơn 5 tỷ đồng cho bản hợp đồng một năm còn lại. Đối tác muốn giải phóng cho Công Vinh không ai khác chính là Sapporo, đội bóng mà tiền đạo này từng đến thi đấu theo bản hợp đồng cho mượn với thời hạn 4 tháng.
Trong bối cảnh hiện tại, số tiền 5 tỷ đồng quá ý nghĩa với SLNA. Thậm chí, nhiều người cho rằng, đội bóng xứ Nghệ treo giá cắt cổ nhằm thách thức đối tác Nhật Bản vì họ tin, với số tiền 5 tỷ đồng, chẳng ai lại mua một cầu thủ Việt Nam, dù đó là Công Vinh. Thế nhưng, thay vì kì kèo, đội bóng Nhật Bản tuyên bố họ đã sẵn sàng chuyển khoản 5 tỷ đồng để có được cầu thủ mà mình mong muốn. Bên cạnh đó, Sapporo còn dành cho Công Vinh mức lương lên đến 10.000USD/tháng cùng nhiều ưu đãi khác.
Với SLNA, đây là một thương vụ hấp dẫn. Thậm chí, khoản tiền 5 tỷ đồng này bằng 15% kinh phí hoạt động của đội bóng trong một năm. Trong bối cảnh hiện tại, SLNA rất cần tiền và bán đứt Công Vinh là một quyết định khôn ngoan. Vấn đề chính yếu lúc này là quyết định của bản thân tiền đạo này. Anh phải chọn lựa giữa tiền bạc, danh tiếng và việc phải thi đấu xa nhà.
Dòm ngó “sao trẻ”
Không chỉ có Công Vinh, BTC J-League đã quyết định mở cửa với các cầu thủ đến từ Việt Nam. Theo đó, các cầu thủ Việt Nam được coi là nội binh kể từ mùa giải tới. Cái đích của họ chính là việc đưa J-League lại gần hơn với người hâm mộ Việt Nam. Bởi, khi có cầu thủ Việt Nam thi đấu, vì rất nhiều lý do, khán giả sẽ dành sự quan tâm. Và người Nhật trước mắt sẽ phát sóng miễn phí các trận đấu để một ngày không xa sẽ bán bản quyền truyền hình cho Việt Nam.
Đó là chưa kể đến việc, hàng loạt các doanh nghiệp vốn tài trợ cho bóng đá sẽ có thêm một cánh cửa thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Không ai khác, chính những cầu thủ Việt Nam sẽ là đại sứ hình ảnh cho doanh nghiệp Nhật Bản.
Vì tất cả những lý do trên mà BTC J-League thậm chí dành cả cơ hội cho những cầu thủ trẻ Việt Nam. Điển hình là việc, hai cầu thủ tiềm năng của đội tuyển U19 QG là Duy Mạnh, Đức Huy đã được mời sang Nhật Bản thử việc. Theo lý giải của những người khởi xướng chuyến đi này thì đây là thử nghiệm đầu tiên cho chiến dịch đưa cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản thi đấu. Ngoài ra, hàng loạt ngôi sao bóng đá Việt Nam như: Văn Quyết, Thành Lương, Hồng Quân đã nhận được lời mời sang Nhật thi đấu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cầu thủ này vẫn chưa nhận được sự đồng ý của đội bóng chủ quản để thực hiện chuyến phiêu lưu.
Thông qua bóng đá, J-League đang muốn thể hiện dấu ấn với V-League. Nhưng câu hỏi đặt ra, ngoài tiền thì bóng đá Việt Nam sẽ học hỏi được điều gì thông qua những bản hợp đồng vốn đang nặng yếu tố thương mại?
Công Vinh khi còn khoác áo Sapporo theo dạng hợp đồng cho mượn. Ảnh: QUANG MINH
|