Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi lãnh đạo thành phố nghe các em học sinh nói

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những người chủ tương lai đã được nói lên tất cả những suy nghĩ, cảm nhận, hiến kế trong việc xây dựng và phát triển của thành phố qua con mắt trong trẻo của mình.

KTĐT - Những người chủ tương lai đã được nói lên tất cả những suy nghĩ, cảm nhận, hiến kế  trong việc xây dựng và phát triển của thành phố qua con mắt trong trẻo của mình.

Hơn 60 ý kiến của các em học sinh tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo nói lên tình cảm và trách nhiệm của các em với thành phố Hồ Chí Minh.

"Ở các khu ổ chuột có nhiều dây điện giăng ngang, rối rắm, nguy hiểm lắm. Làm sao để tránh nguy hiểm cho người dân khi đi qua những nơi này, nhất là trẻ em?". Đó là lời chia sẻ của em Phan Bảo Tín - Lớp 7T2 trường THCS Lam Sơn trong buổi  tọa đàm chủ đề Lắng nghe tiếng nói trẻ em do Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM tổ chức. Khách mời là 120 em học sinh tại các trường học trong thành phố.

Tại buổi tọa đàm, những người chủ tương lai được nói lên tất cả những suy nghĩ, cảm nhận, hiến kế  trong việc xây dựng và phát triển của thành phố qua con mắt trong trẻo của mình.

Em Nguyễn Minh Tâm - lớp 9A/12 trường THCS Trần Bội Cơ chia sẻ một việc thiết thực tới sinh hoạt hàng ngày của các em tại các trường học: "Em thấy hệ thống nhà vệ sinh tại nhiều trường học bị xuống cấp. Điều này dẫn đến việc lây bệnh cho các bạn. Em và các bạn đều mong muốn có được nhà vệ sinh tốt hơn, sạch sẽ hơn".

Khi lãnh đạo thành phố nghe các em học sinh nói - Ảnh 1Trong 5 - 10 năm nữa, chúng ta sẽ làm được, xử lý được việc ngập nước, ô nhiễm môi trường, chúng ta sẽ có tàu điện ngầm để giải quyết tình trạng kẹt xe… Tôi nghĩ thông điệp qua ý kiến của các em hôm nay sẽ là:Tất cả cho trẻ em, vì trẻ em, thành phố của trẻ em.Khi lãnh đạo thành phố nghe các em học sinh nói - Ảnh 2 - Bà Phạm Phương Thảo

Em Võ Thị Mỹ Duyên - trường THCS Trần Quốc Tuấn, Q.7, lại chia sẻ một câu chuyện đầy tính nhân văn: "Thành phố có biện pháp nào cho trẻ em lang thang cơ nhỡ hay không? Đến trường học em thấy rất nhiều bạn phải lang thang như thế. Em cũng rất muốn các bạn được học hành và vui chơi như em và các bạn em trong trường".

Các em còn có ý kiến về việc làm sao để thành phố sạch hơn, xanh hơn, đẹp hơn, không còn rác, không còn rào chắn thi công, không còn áp lực bài vở, thi cử… Có em còn tự mình đưa ra một khẩu hiệu cho bản thân: "Mắt thấy rác, tay nhặt liền"!

Trả lời cho những ý kiến của các em, bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TPHCM - thân tình: "Các em đã nói lên những hành động để hướng tới xây dựng thành phố phát triển, muốn người lớn chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của mình.

Chúng tôi sẽ mở diễn đàn như thế này nhiều hơn ở các cấp cơ sở để nhiều người lớn được nghe ý kiến của các em hơn. Gợi ý của các em sẽ là những ý tưởng hay để chúng tôi đưa vào nội dung của ĐH Đảng bộ TPHCM năm 2010".

Có mặt tại buổi gặp gỡ đặc biệt này, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cũng chia sẻ: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang đi giám sát ở nhiều nơi và một trong những nội dung là khảo sát các chỗ vui chơi cho trẻ em. Điều này Quốc hội sẽ cố gắng giải quyết cho các em. Quốc hội cũng sẽ đề nghị nhiều tỉnh, thành, cơ sở… lắng nghe các em nhiều hơn nữa".