Bến đò “kiểu mẫu” cũng vi phạm
Có mặt ở Bến đò Văn Đức trên sông Hồng (nối xã Văn Đức, huyện Gia Lâm và phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) vào tháng 12/2012, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều người qua đò không mặc áo phao. Điều đáng nói là không thấy các chủ đò yêu cầu hay nhắc nhở hành khách mặc áo phao mỗi khi qua sông. Anh Đặng Hà Thanh, Văn Giang, Hưng Yên cho biết: "Nhà tôi ở Hà Nội nhưng có xưởng gỗ tại Hưng Yên. Một tuần ít nhất cũng có 6 lần đi qua bến Văn Đức.
Một bến đò chở khách qua sông Hồng tại Đông Anh, Hà Nội, chưa thực hiện nghiêm quy định mặc áo phao cho khách.Ảnh: Bảo Nhi
Gần chục năm nay qua đò nhưng không bao giờ được chủ đò yêu cầu phải mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ nổi vào tay". Chuyến đò hôm đó, hơn chục hành khách còn đứng ngồi lộn xộn, có người vẫn chễm trệ trên xe máy, nói gì đến mặc áo phao. Ngay ở buồng lái, tấm biển "Khách đi đò mặc áo phao" dường như chỉ để cho có. Điều đáng nói là bến đò Văn Đức đã được công nhận là "bến đò kiểu mẫu" của Hà Nội.
Hiện bến có 9 phương tiện, do người của xã Văn Đức khai thác, hoạt động từ 7 giờ đến 19 giờ, trung bình mỗi ngày chở khoảng 2.000 lượt khách đi xe máy, xe đạp qua sông. Đây cũng là một trong những bến đò của Hà Nội tiên phong hưởng ứng thực hiện "Cuộc vận động người đi đò mặc áo phao, và cũng nhiều lần được ngành chức năng phát tặng phao, áo phao cứu sinh". Gần đây nhất, năm 2009, mỗi phương tiện được tặng 12 chiếc phao cứu sinh tròn và năm 2010, cả bến được tặng tiếp 150 chiếc áo phao cứu sinh. Thế nhưng, nhiều lần thực tế tại bến đò mẫu này, chúng tôi chưa từng thấy bất kỳ người lái đò hay hành khách nào tự giác mặc áo phao khi qua đò. Có chăng họ chỉ mặc khi có đoàn kiểm tra hoặc mỗi khi trao tặng áo phao để còn… chụp ảnh.
Tương tự bến đò mẫu Văn Đức, hàng chục bến đò, phà khác trên sông Hồng nằm nối huyện Thanh Trì, Thường Tín và tỉnh Hưng Yên, như Vạn Phúc, Chiến Thắng… cũng trong tình trạng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh chỉ được để dự phòng, thậm chí treo cao, cất kỹ. Khi hỏi một số lái đò hầu hết đều trả lời chỉ khi nào khách yêu cầu mới đưa áo phao ra (!?).
Sợ mất khách
Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Phó trưởng bến đò Văn Đức, vẫn biết quy định bắt buộc hành khách phải mặc áo phao khi qua đò nên trong thời gian đầu mới nhận áo phao, bến cũng tổ chức vận động hành khách mặc áo phao, nhưng vận động mãi mà chẳng mấy ai mặc. "Quy định là thế, chúng tôi cũng chịu, nếu ép quá, nhiều người lại chọn cách đi qua cầu thì bến mất nguồn thu" - ông Hiền cho biết. Đưa vấn đề này hỏi ông Nguyễn Đức Hùng - Chủ tịch UBND xã Văn Đức thì được trả lời: "Xã cũng thường xuyên kiểm tra các bến đò và thấy các phương tiện đều… duy trì đầy đủ số lượng áo phao cứu sinh.
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn học sinh mặc áo phao tại bến đò xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.Ảnh: Chinh Việt
UBND xã sẽ giao cho lực lượng công an xã thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm". Ông Hùng cũng dẫn ra nguyên nhân người dân không chịu mặc áo phao rằng: "Đối tượng qua đò rất đa dạng, từ cán bộ, công chức đến người buôn bán rau màu, lao động tự do. Theo đặc thù công việc, mỗi người có loại trang phục khác nhau, và nhiều người từ chối mặc áo phao vì sợ bị dây bẩn từ người khác".
Rõ ràng, một trong những yếu tố quan trọng để quy định trên thực sự đi vào cuộc sống là phải "quản chặt" chủ đò, người lái đò. Nhất là người trực tiếp điều khiển phương tiện có trách nhiệm chính, đầu tiên trong việc yêu cầu hành khách sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh, áo phao khi qua đò. Ngay từ bây giờ, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tuyên truyền mạnh mẽ về quy định này và cảnh báo đối với chủ đò, người lái đò về hậu quả nếu cố tình không thực hiện. Cùng đó, chính quyền cơ sở nếu thực hiện tốt chức năng kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm sẽ có tác dụng thiết thực trong việc đưa quy định vào cuộc sống.
Từ khi thực hiện Cuộc vận động mặc áo phao khi qua đò đến nay (năm 2005), với sự hỗ trợ kinh phí của Ủy ban ATGT Quốc gia, các nhà tài trợ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã phát tặng gần 30.000 áo phao cứu sinh cho các bến đò tại 30 tỉnh, thành. Nếu tính bình quân mỗi bến 20 chiếc thì khoảng 1.500 bến đò, bằng gần 60% số bến hiện có đã được cấp áo phao.
|