Theo đó, do bị thanh lý hợp đồng trước thời hạn, bộ đôi cầu thủ này kiện đội bóng cũ ra tòa, yêu cầu được bồi thường khoản tiền lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này khiến lãnh đạo đội bóng nổi giận. Họ tố ngược rằng, hai cầu thủ này lẽ ra phải trả cho đội bóng từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng tiền lót tay đã ứng trước. Và nếu không có tiền để trả, họ sẽ không được nhận giấy thanh lý hợp đồng. Điều đó có nghĩa, Chí Công và Đình Đức sẽ không thể ký hợp đồng với đội bóng mới. Khi hai bên cùng tỏ ra cương quyết và hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn tại tòa án thì bất ngờ cơ quan thuế Bình Dương xuất hiện. Qua thông tin, cơ quan thuế phát hiện ra rằng, hai cầu thủ Chí Công và Đình Đức đã nhận hàng tỷ đồng tiền lót tay, tiền lương và thưởng nhưng chưa nộp thuế thu nhập. Riêng tiền lót tay của Chí Công trong 3 năm đã lên đến 9 tỷ đồng. Tính theo biểu thuế, riêng Chí Công đã phải nộp số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng, số tiền thuế thủ môn Đình Đức phải nộp ước khoảng 2 tỷ đồng. Nghĩa là chưa biết Chí Công và Đình Phước có đòi được tiền của Bình Dương hay không, họ vẫn phải nộp khoản tiền thuế cao ngất trời. Và không khéo, các cầu thủ này sẽ bị truy tố về tội trốn thuế. Thông tin hậu trường cho biết, lãnh đạo Bình Dương đã rất giận Chí Công và Đình Đức. Họ cho rằng, hai cầu thủ đã đi vượt qua giới hạn cho phép. Với hành động đi kiện, họ đã làm ảnh hưởng uy tín của đội bóng. Chưa hết, các cầu thủ này còn mắc một lỗi rất lớn là tiết lộ bí mật hợp đồng. Thế mới có chuyện, Bình Dương sẵn sàng "đấu" với hai cầu thủ cũ đến cùng. Thực ra thì việc cầu thủ nhận lót tay của đội bóng đã trở nên quen thuộc trong làng bóng đá. Vấn đề ở chỗ, ai sẽ là người phải chịu thuế thu nhập? Thông thường, người sử dụng lao động sẽ trả. Nhưng, ở nhiều đội bóng, người ta thường cài vào bản hợp đồng điều khoản cầu thủ tự trả thuế thu nhập nhưng cam kết bằng miệng là cầu thủ không chịu thiệt. Và trên thực tế, người ta đã khéo léo biến tấu để cầu thủ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nhưng, đối với trường hợp của Chí Công và Đình Đức, khi tình đã hết, nghĩa đã cạn, mọi việc đã không còn có thể kiểm soát. Cầu thủ đương nhiên phải trả giá vì sự thiếu hiểu biết của mình trong thương thảo hợp đồng. Từ câu chuyện của Chí Công và Đình Phước, người ta tự hỏi, có bao nhiêu cầu thủ ở Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng đang không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân. Tin rằng là rất nhiều. Và nếu không ứng xử một cách khéo léo, có thể, làng bóng đá Việt Nam đang ôm rất nhiều "quả bom" mang tên "thuế thu nhập".