Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi người khuyết tật có trợ lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Mình vừa đi chợ sớm, định mua hoa và ít đồ ăn tươi để nấu mừng sinh nhật mẹ", nụ cười rạng rỡ nở trên môi anh chàng 27 tuổi, ngồi khó nhọc trên chiếc xe lăn.

KTĐT - "Mình vừa đi chợ sớm, định mua hoa và ít đồ ăn tươi để nấu mừng sinh nhật mẹ", nụ cười rạng rỡ nở trên môi anh chàng 27 tuổi, ngồi khó nhọc trên chiếc xe lăn.

Liệt hai chân, hơn chục năm trời Lâm chỉ quanh quẩn trong căn phòng nhỏ xíu, dù anh rất thèm ra ngoài thấy bầu trời và người qua lại. Nhưng cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi từ ngày anh có "trợ lý".

"Mình vừa đi chợ sớm, định mua hoa và ít đồ ăn tươi để nấu mừng sinh nhật mẹ", nụ cười rạng rỡ nở trên môi anh chàng 27 tuổi, ngồi khó nhọc trên chiếc xe lăn.

Khánh Lâm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị liệt cả hai chân sau một trận sốt cao khi mới 7 tháng tuổi. Sau khi cố gắng đi học đến cấp hai, vì rất khó khăn khi đến trường, lại hay bị bạn bè trêu chọc, bố mẹ thương nên cho anh ở nhà. Từ đó, không gian của Lâm chỉ trong bốn bức tường. Vài năm sau, được người chị họ cho chiếc máy tính cũ, Lâm coi đó như cách để biết về thế giới bên ngoài.

"Mình thèm cảm giác được hít thở khí trời, được cảm nhận ánh nắng chiếu trực tiếp trên da, được nhìn dòng người trên phố qua lại... nhưng chẳng dám nhờ mẹ. Mình tuy không đi được nhưng vẫn cứ lớn lên, nặng thêm, còn mẹ ngày một già, yếu, lại vất vả lo toan bao việc", Lâm tâm sự.

Đầu năm nay, được mấy người bạn giới thiệu về Trung tâm sống độc lập Hà Nội (42 Kim Mã Thượng, Hà Nội), Lâm đã viết thư mong được tham gia. Và cũng từ đây, cuộc sống của anh đã sang một trang mới.

Sau những ngày được tư vấn của những người đồng cảnh, giao lưu và tập huấn về kỹ năng sống độc lập, Lâm thấy mình tự tin hơn nhiều. Điều quan trọng nhất là anh được cung cấp một PA - người trợ giúp - một người bạn sẽ giúp anh tự chăm sóc bản thân và làm tất cả những điều mong muốn mà không ngại phải phiền ai.

"Một ngày của Lâm giờ không còn nhàm chán như trước nữa. Cùng người trợ giúp, mình có thể đi dạo, đi chợ mua đồ rồi gặp gỡ bạn bè hay tham gia các buổi giao lưu, hội thảo, thậm chí đến tận trụ sở mình làm việc (Lâm phụ trách phần nội dung cho một website về du lịch)... Mình đã thực sự làm chủ cuộc sống của mình rồi.", Lâm bộc bạch.

Cũng như Lâm, 36 thành viên khác của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội đều cảm thấy cuộc sống của mình như bước sang một trang tươi sáng hơn rất nhiều khi tham gia vào dự án.

Trường hợp hai anh em Vũ Anh Tuấn và Vũ Tuấn Tú cũng là một điển hình. Bị căn bệnh teo cơ quái ác, cơ thể các anh cứ dần teo tóp, co quắp lại nên hầu như chẳng thể tự làm được việc gì. Cuộc sống của cả hai chỉ quẩn quanh trên chiếc giường. Tuy vậy, hai anh em đều tự mày mò học hỏi và viết bài cộng tác với các báo.

Họ chỉ có mong ước đơn giản là đến tận tòa soạn để nhận số tiền nhuận bút của mình mà cũng chưa bao giờ làm được. Muốn ra ngoài hít thở không khí trong lành, hai anh em cũng chẳng dám nhờ mẹ.

Nhưng từ khi có người trợ giúp, mọi việc đã khác. Giờ đây, trong những buổi họp mặt, giao lưu câu lạc bộ, bao giờ cũng có sự hiện diện của cả hai người. Còn mong ước đi lĩnh nhuận bút sau mỗi bài viết, tất nhiên họ đã làm được.

Bà Nguyễn Hồng Hà, giám đốc dự án của Trung tâm sống độc lập Hà Nội cho biết, trung tâm ra đời từ dự án do Tổ chức Nippon Foudation tài trợ và bắt đầu hoạt động từ đầu năm nay. Dự án này nhằm hỗ trợ từng cá nhân khuyết tật để họ phát huy được tiềm năng của mình ở mức cao nhất ngay tại gia đình và cộng đồng.

Theo bà Hà, sống độc lập ở đây không có nghĩa là người khuyết tật tự làm tất cả mọi việc hay là sống một mình, mà có nghĩa là với sự trợ giúp của xã hội và cộng đồng, người khuyết tật có thể sống hoà nhập, có khả năng độc lập tự chủ trong những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình.

Cũng là một người khuyết tật, bà Hà hiểu hơn ai hết những mong muốn, nhu cầu của người đồng cảnh ngộ. Bà cho biết, đa số người khuyết tật thường ngại ra ngoài bởi sợ người khác nhìn thấy hình hài của mình. Họ sợ bị kỳ thị, coi là người bỏ đi. Họ cũng e ngại khi nhờ người thân giúp đỡ nên hầu như rất ít nói ra nhu cầu của mình. Ngoài ra, vì thường được người thân bao bọc, nên những người khuyết tật, nhất là khuyết tật bẩm sinh thường không biết các kỹ năng phục vụ cho cuộc sống nên hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.

Tham gia vào trung tâm, người khuyết tật sẽ được tư vấn đồng cảnh về sống độc lập, được khuyến khích làm việc và hoà nhập, đồng thời cung cấp sự trợ giúp tích cực để tự quyết định cuộc sống của mình. Người trợ giúp - PA - sẽ giúp họ trong việc ăn uống, đi lại, làm vệ sinh cá nhân, cùng họ đi giao lưu, học hỏi, thăm bạn bè. PA cũng chính là người bạn tâm giao cùng chia sẻ vui buồn.

Tuy nhiên, có lẽ điều lớn nhất mà hầu như tất cả những người khuyết tật sau một thời gian tham gia vào trung tâm có được chính là họ đã lấy lại được sự tự tin vào bản thân và niềm tin yêu cuộc sống.

Nhìn chị Hoài tếu chuyện cùng các thành viên khác của Trung tâm với giọng nói hài hước và đôi mắt to lấp lánh, chẳng ai có thể nghĩ chị từng nhiều lần muốn tìm đến cái chết để trốn tránh thực tế khắc nghiệt.

7 năm trước, một tai nạn bất ngờ trên đường về nhà đã khiến chị Hoài bị liệt hai chân và tổn thương vùng cột sống. Đang là một giáo viên năng nổ, say mê với nghề, giờ chị chỉ còn ngồi một chỗ. Rồi những bất hạnh trong cuộc hôn nhân và bất công... đã khiến chị mất niềm tin vào chính mình và cả mọi người.

Đầu năm nay, khi có người rủ tham gia Trung tâm sống độc lập, chị Hoài nhất quyết không tham gia. Chị không tin Trung tâm có thể giúp gì cho mình. Nhưng cuối cùng, sau khi được mọi người thuyết phục chị cũng thử. Và cuộc sống của chị thay đổi một cách kỳ diệu.

Sau gần 7 năm chỉ loanh quanh trên căn gác nhỏ, nhìn ánh nắng mờ nhạt qua khung cửa sổ đã bị chắn gần hết bởi nhà cửa, cây cối, chị đã đi chợ, đi chơi và gặp gỡ lại bạn bè. Chị lại thấy mình của "một thời huy hoàng" với sự tự tin, yêu cuộc sống.

Chị kể, trước đây chị cũng vài lần được bố đưa đi chợ. Bố cưng chiều chị như cô bé con nhưng khi đi cùng ông chị vẫn có cảm giác phụ thuộc. Chẳng hạn, chị muốn mua nhiều thứ linh tinh thì bố nhất định cản vì cho là không cần thiết hay sợ con mệt, phải mang nặng. Rồi vì thương bố, vì ngại, chị cũng đành thôi. Những lần đi chợ đó, chị thường đội một cái mũ thật to, che sụp hết cả mặt, dù biết có như thế người ta cũng vẫn nhận ra mình.

"Giờ thì khác rồi nhé. Mỗi lần đi chợ là một lần vui phơi phới. Tớ thích gì mua nấy, cũng chả sợ ai chỉ chỏ hay nói đụng chạm gì. Vui nhất là có cô bạn PA tâm lý, không bao giờ gàn khi mình định làm gì", chị Nhung chia sẻ. "Mình chỉ mong dự án có thể kéo dài và không chỉ có ở Hà Nội mà cả các nơi khác nữa, để những người khuyết tật ở các vùng xa xôi cũng được hưởng những điều tốt đẹp, may mắn như chúng mình", chị nói thêm.