Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi người Thái rút củi đáy nồi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cách đây không lâu, có một ấn phẩm tung ra cái tít rất giật gân "Việt Nam sẽ vượt Thái Lan để trở thành số một thế giới về xuất khẩu gạo".

KTĐT - Cách đây không lâu, có một ấn phẩm tung ra cái tít rất giật gân "Việt Nam sẽ vượt Thái Lan để trở thành số một thế giới về xuất khẩu gạo".

Bài báo đó viện dẫn số liệu gia tăng lượng gạo xuất khẩu trong 20 năm qua của Việt Nam, từ 1 triệu, rồi 2 triệu, đến 4 triệu tấn và năm 2010 đạt đỉnh 6,8 triệu tấn gạo. Trong khi đó, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan từ 10 triệu tấn lại giảm xống 8- 8,5 triệu tấn. Năm 2010, Việt Nam đã vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo trắng khi nước này chỉ xuất 6,6 triệu tấn, còn Việt Nam xuất 6,7 triệu tấn. Tác giả bài báo dự báo: Cách đây 30 năm, người Thái đã đoạt ngôi vị số 1 từ người Mỹ, giờ sẽ đến người Việt giành ngôi vị đó từ Thái Lan.

Có thể đây la sự thể hiện một xu hướng của người Việt mà ông vua lý thuyết cạnh tranh thế giới Michal Perter đã khuyến cáo là rất thích chạy theo ngôi vị nhất nhì. Michal Perter cũng đã đưa ra lời khuyên trong cạnh tranh là hãy tạo ra sản phẩm độc đáo thì sẽ luôn giành được lợi thế.

Thực ra, làm ra nhiều sản phẩm, xuất khẩu nhiều cũng tốt. Nhưng trong kinh doanh, cái quan trọng hơn chính là hiệu quả. Có nhiều khi lợi nhuận lại tỷ lệ nghịch với lượng bán ra. Vì khi ta tung ra thị trường quá nhiều sản phẩm mà nhu cầu lại giảm, giá bán tụt thê thảm và kết quả lợi nhuận sụt giảm rõ rệt. Những bài học trên thị trường nội địa khi trúng mùa rớt giá, lỗ nặng trong thời gian qua với lúa, trái cây không phải là hiếm.

Trở lại chuyện xuất khẩu gạo, mới đây, Bộ Nông nghiệp Thái Lan bắt đầu khuyến khích nông dân trồng hai vụ lúa mỗi năm thay vì 3 vụ như hiện nay. Chương trình này được các nhà xuất khẩu Thái Lan ủng hộ vì cho rằng giảm xuất khẩu gạo sẽ giúp giảm áp lực giảm giá giảm trên thị trường thế giới. Theo ước tính, nếu kế hoạch này được thực hiện lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ giảm 2 triệu tấn/năm nhưng có thể khiến giá gạo tăng lên. Cần nói thêm rằng, thời gian gần đây, giá gạo Thái Lan liên tục giảm, đặc biệt khoảng cách giữa gạo Thái và gạo Việt Nam đang thu hẹp dần. Năm 2009, giá gạo xuất khẩu bình quân của ta thấp hơn Thái 19,4% nhưng năm 2010 chỉ còn chênh lệch 14,8%. Đến 16/3 vừa qua, giá gạo của Thái giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Việc giảm từ 3 vụ xuống 2 vụ của Thái Lan không chỉ nhằm mục đích hỗ trợ cho giá gạo trên thị trường khi nguồn cung giảm mạnh mà còn có những lợi ích khác cho người trồng lúa và Chính phủ nước này. Trước hết, việc rút đi một vụ sản xuất sẽ làm gián đoạn chu kỳ sống của côn trùng, góp phần làm giảm lượng thuốc trừ sâu, giảm lượng phân bón cần phải sử dụng (mà giá của những sản phẩm đầu vào này hiện tăng cao). Việc giảm bớt một vụ lúa cũng sẽ làm đất có thời gian "nghỉ", người trồng lúa có điều kiện chăm sóc, nâng cao năng suất, làm cho lợi nhuận cao hơn. Về phía Nhà nước, sẽ đỡ tốn phí nhiều tiềncho chương trình hỗ trợ giá.

Có thể nói, chương trình giảm một vụ lúa của Thái Lan là việc áp dụng chiêu "rút củi đáy nồi" hữu hiệu nhằm nâng giá gạo trên thị trường và đem lại lợi nhuận tối đa. Chủ tịch danh dự Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan cũng cho rằng: Thái Lan không nên quá chú ý tới khối lượng gạo xuất khẩu mà cần tập trung vào việc duy trì bền vững giá gạo. Điều này tốt hơn so với sản xuất ra nhiều lúa gạo mà giá thấp.

Có thể việc người Thái giảm 2 triệu tấn gạo xuất khẩu năm nay sẽ khiến giá gạo thế giới tăng, giúp Việt Nam nhanh chóng giành được ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu gạo. Nhưng việc làm của người Thái đáng để chúng ta học tập khi mình đã có vị thế trong xuất khẩu mặt hàng này. Đó là hãy nghĩ cách tác động tới thị trường một cách có lợi nhất như cách rút củi đáy nồi của người Thái.