Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện, tỷ lệ người dân Thành phố Hồ Chí Minh biết đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam " đã đạt khoảng 96%.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố cho biết như vậy tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động, giai đoạn 2009-2014 diễn ra chiều nay (27/1).

Thị hiếu và tâm lý ưu tiên dùng hàng Việt của người dân thành phố ngày càng tăng, tỷ lệ bày bán hàng và tiêu thụ hàng nội địa tại các chợ truyền thống, siêu thị cũng cao hơn trước.

Nhờ đó đem lại lợi ích thiết thực, giúp doanh nghiệp Việt nghiên cứu cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng tính cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa biết đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, do công tác tuyên truyền ở một số khu dân cư chưa sâu rộng, chưa đủ sức thuyết phục. Mặt khác, một số mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam có chất lượng không ổn định, giá lại cao, khiến người tiêu dùng khó thay đổi nhận thức. Công tác giám sát, phát hiện hàng gian, hàng giả cũng chưa được quan tâm, làm giảm uy tín hàng Việt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc vận động. 

 
Hiện nay, tỷ lệ người dân Thành phố Hồ Chí Minh biết đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam " đã đạt khoảng 96%. Ảnh: Internet.
Hiện nay, tỷ lệ người dân Thành phố Hồ Chí Minh biết đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam " đã đạt khoảng 96%. Ảnh: Internet.
Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường phối hợp đẩy mạnh việc thông tin đến người dân, tiếp tục quảng bá hàng Việt về cộng đồng dân cư kết hợp với bán hàng bình ổn giá; đẩy mạnh giám sát, liên tịch với quản lý thị trường để phát hiện, xử lý hàng gian, hàng giả.

Ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi cố gắng tuyên truyền vận động thực hiện chủ đề “Tự hào hàng Việt Nam”. Đây xem như là khẩu hiệu hành động xuyên suốt giai đoạn 2014-2020 và hướng đến năm 2030. Làm thế nào để tự hào hàng Việt? Đó là một câu hỏi mà các ngành, các cấp cần tập trung tùy theo nhiệm vụ chính trị của mình để tổ chức triển khai công việc ở cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần cho cuộc vận động đạt kết quả tốt”.