Ông Đặng Văn Hùng, trưởng thôn Lưu Xá cho biết, phương án linh hoạt được đưa ra ở đây là, hộ nào chọn xứ đồng xa sẽ được diện tích lớn hơn những hộ chọn xứ đồng ở gần. Vì vậy, dù ai gắp thăm vào xứ đồng nào cũng đều phấn khởi. Hầu hết các hộ gia đình đông con, có nhân lực làm nông nghiệp đều chọn xứ đồng xa với công thức 1 sào bằng 1,1 đến 1,2 sào so với đồng gần. Ông Bạch Văn Hộp, thôn Lưu Xá cho biết: "Bờ vùng bờ thửa vững chãi, mình chủ động hoàn toàn về nước nên vụ sau gia đình tôi sẽ tiến hành gieo sạ, hoặc đăng ký với chính quyền địa phương cho cấy mạ khay".
Xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên đã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa. Ảnh: Nam Bắc
Trong quá trình triển khai DĐĐT ở Phú Túc đã gặp phải rất nhiều trở ngại, hầu hết các hộ không muốn dồn diện tích đất 5% vào cùng một ô thửa với diện tích đất nông nghiệp được giao khoán theo Nghị định 64. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay mỗi hộ chỉ còn một thửa canh tác và một thửa chân mạ. Nhiều hộ đã tự nguyện ghép chung để gắp thăm cùng một số với anh em, họ hàng trong dòng tộc, thuận lợi cho việc hình thành các ô thửa có diện tích lớn, rộng tới cả héc ta. Trên cơ sở quy hoạch đồng ruộng đã được phê duyệt, xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy hiệu quả công tác DĐĐT.
Phú Túc có nghề truyền thống mây, tre, giang đan phát triển ở 8/8 thôn, nhưng cũng là xã dẫn đầu việc tổ chức sản xuất 2 vụ lúa, một vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất và đạt năng suất cao của huyện. Hiện, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Túc đã có 8 máy làm đất, trong đó có 6 máy công suất lớn đã thay thế cơ bản lao động thủ công trong khâu làm đất. Vì vậy, nông dân chỉ tập trung làm việc từ 3 đến 5 ngày là hoàn thành mùa vụ. Vụ xuân 2013, HTX đã nhập thêm máy cấy cải tiến, qua thực tế sử dụng đã tỏ rõ hiệu quả so với phương pháp cấy truyền thống. Chủ tịch UBND xã Bùi Hồng Luyến cho biết, thành công từ DĐĐT đã thực sự tạo được khí thế mới cho người dân ở vùng chiêm trũng này.