KTĐT - Trong kinh tế thị trường có một khái niệm mà các nhà kinh doanh cũng nên làm quen: Thị trường của người bán và thị trường của người mua.
Đây là khái niệm để chỉ tính quyết định về giá cả thuộc về ai, người bán hay người mua ? Tất nhiên, đây là khái niệm mở rộng khi phân tích về quy luật cung cầu, quy luật giá trị - những quy luật cơ bản của kinh tế thị trường - để thấy rõ hơn vị thế, chủ thể nào sẽ quyết định giá cả hàng hóa trong quan hệ mua bán.
Đương nhiên, khi hàng hóa eo hẹp nguồn cung, hay số người bán ít, người mua nhiều khi đó thị trường là của người bán. Người bán có quyền ra giá, quyết định thành bại của thương vụ. Ngược lại, khi hàng hóa dồi dào, khi người bán thì nhiều người mua lại ít, thị trường đó là của người mua. Người mua có quyền ép giá và quyết định kết quả của bán mua. Có thể nhìn vào biến động của thị trường gần đây để chứng minh điều này.
Từ cuối tháng 12/2010đến quý I năm nay, sức tiêu thụ thép đột ngột tăng cao (mức tăng tới 40 - 50% so cùng kỳ năm ngoái) làm giá thép tăng liên tục. Chỉ từ đầu năm đến đầu tháng 3, giá thép đã liên tục tăng từ 4 -5 lần với mức tăng tổng cộng đến 2 triệu đồng/tấn. Giá tăng khiến các đại lý cập tập gom hàng đẩy giá tăng thêm. Các lý do để nhà sản xuất thép tăng giá là do giá phôi thế giới tăng cao, rồi trong nước điều chỉnh tỷ giá, tăng giá điện, nâng lãi xuất... Thậm chí người tiêu dùng còn bị "dọa"thêm sắp tới giá thép còn tăng.
Nghe ra thì cũng rất có lý nên dù giá phôi thế giới cũng có tăng mấy chục USD/tấn (từ 580 USD lên 610 USD/tấn)hay tới 70 - 80 USD/tấntức là mỗi tấn phôi có giá 14 triệu đồng thì giá bán thép của nhà máy 17 triệu đồng/tấn cũng là có lãi. Tuy nhiên,các doanh nghiệp thương mại, các đại lýdự kiến giá còn tăng nên tung tiền ra "ôm" hàng tích trữ để chờ cơ hội kiếm lời, đẩy giá thép lên 18,8 - 19 triệu đồng/tấn. Vì thế, thông thường mức tiêu thụ của cả nước khoảng 350.000 - 400.000 tấn/tháng nhưng tháng 12/2010 các nhà máy đã bán 437.000 tấn, tháng 1/2011 là 469.000 tấn và tháng 2 vọt lên 475.000 tấn. Hơn thế, tháng 1 - 2 là tháng có Tết, không phải mùa xây dựng nên việc tiêu thụ thép mạnh, như vậy chính là do các doanh nghiệp " ôm" hàng đầu cơ.
Từ tháng 3, tình hình đảo ngược, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã khiến ngân hàng mạnh tay nâng lãi suất cho vay, các ngành, các địa phương giảm mạnh đầu tư công. Số dự án cắt giảm nhiều khiến nhu cầu xây dựng giảm mạnh. Tình hình lạm phát khiến dân cư cũng giảm bớt các việc cải tạo, xây mới nhà cửa…Tất cả những điều đó tác động đến thị trường thép. Vì thế, mặc dù có nhiều yếu tố làm tăng chi phí đầu vào của thép nhưng từ cuối tháng 3/2011 các doanh nghiệp kinh doanh thép đã phải tính chuyện giảm giá thép và mức giảm thực tế từ 200.000 - 300.000 đ/tấn. Rõ ràng, nếu trước đây thị trường do các doanh nghiệp găm hàng đẩy giá quyết định thì giờ đây việc cắt giảm đầu tư công, hoàn các công trình chưa thực cần thiết, nhu cầu xây dựng của dân cư cũng giảm đã khiến cho thị trường bị tác động. Người mua quyết định giá cả. Cho nên mặc dù các yếu tố đầu vào tăng nhưng các doanh nghiệp vẫn không thể tăng giá bán mà phải giảm. Thậm chí dưới sức ép của lãi suất vay tăng cao, tồn kho lớn do ế đọng hàng nhiều doanh nghiệp đã trót "ôm" hàng có nhu cầu xả hàng mạnh.
Theo dự báo, quý II/2011 do cung vượt cầu nên giá thép sẽ giảm nhẹ. Câu chuyện thị trường của ai không chỉ là chuyện của thép. Nhiều mặt hàng khác cũng có diễn biến tương tự.