Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi trẻ mắc tâm bệnh

Ngọc Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số trẻ mắc tâm bệnh ngày càng nhiều, nhưng nhiều bố mẹ lại thờ ơ, khiến trẻ không được can thiệp kịp thời, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như sự hòa nhập cộng đồng của trẻ.

80% trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi
Bé Khoai con chị Nguyễn Thúy Phượng (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) khỏe mạnh, ngoan ngoãn, ăn tốt, ngủ tốt, hầu như không bao giờ biết khóc, ai cũng khen bé ngoan, ít ốm vặt. Nhưng điểm yếu của bé là chậm nói, không thích giao tiếp, kể cả với bố mẹ, bé cũng không thích sự cưng nựng, ôm ấp. Nhận thấy những bất thường ấy, chị Phượng đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý thì được biết, bé có những dấu hiệu của hội chứng tự kỷ. Hành trình để bé hòa nhập cộng đồng vô cùng gian nan, vất vả. 4 năm cùng con đến lớp học cho trẻ tự kỷ, cố gắng dành thời gian gần gũi, động viên, chia sẻ cùng con nhiều hơn, nhưng đến giờ, tuy đã học lớp 1 bé vẫn gần như không hòa nhập được cùng các bạn. 

Một trường hợp khác điển hình của trẻ mắc tâm bệnh bẩm sinh là bé Nguyễn Vân Anh (Thanh Liệt, Hoàng Mai). Khi mới sinh, bé ngủ không sâu, nửa đêm thường tỉnh giấc, gào khóc, có những biểu hiện hoảng sợ. Bú mẹ và ăn dặm thì hay bị nôn trớ. Nghĩ con bị bệnh liên quan đến tiêu hóa, gia đình đưa con vào Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư khám, nhưng hệ thống tiêu hóa của bé không có gì nghiêm trọng. Ngoài ra, bé còn có những dấu hiệu bất thường khác như chậm biết lẫy, biết bò, hai tuổi mới biết đi. Đặc biệt, bé không thích đùa, ít cười, nhưng lại rất thích chơi điện thoại, xem tivi. Bé thường xuyên lặp đi lặp lại hành động bứt tóc, quấn lại rồi cho vào miệng…

Chăm sóc cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Phạm Hùng

Theo các chuyên gia y tế, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng số trẻ mắc tâm bệnh ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng Khoa Tâm bệnh, BV Nhi T.Ư, mỗi ngày có trên dưới 20 trẻ đến khám, trong đó, hơn 80% số trẻ mắc tâm bệnh dưới 5 tuổi, khoảng 37% số trẻ 2 tuổi và dưới 2 tuổi. Bác sĩ Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm bệnh cho biết, cho đến thời điểm này chưa có một nghiên cứu khoa học nào chỉ ra chính xác nguyên nhân mắc tâm bệnh, mà tất cả mới chỉ ở dạng giả thuyết hoặc nhóm nguyên nhân. Tóm lại, tâm bệnh do đa nguyên nhân, đó có thể là do yếu tố gien, gia đình, có thể do môi trường sống… chứ không có nguyên nhân cụ thể, rõ ràng.

Bố mẹ đóng vai trò chính

Là người tiếp xúc với trẻ mắc tâm bệnh hàng ngày, điều BS Minh lo ngại là tâm lý của các bậc phụ huynh khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, thậm chí là khi bác sĩ chẩn đoán bệnh rồi vẫn không tin là sự thật. Việc này dẫn đến nhiều trẻ em bị mắc bệnh không được can thiệp kịp thời. Bác sĩ Minh cho rằng, dù trẻ mắc tâm bệnh bẩm sinh hay do tác động từ các yếu tố bên ngoài thì bố mẹ cần tinh ý để phát hiện kịp thời và đưa trẻ đi khám, tư vấn, can thiệp càng sớm càng tốt.

Theo các chuyên gia, việc bố mẹ tự suy đoán và mò mẫm chữa bệnh cho con vô cùng nguy hại. Bởi ngay cả các bác sĩ khi nhìn một đứa trẻ dù có biểu hiện đặc thù của bệnh, chưa thể vội vàng kết luận trẻ mắc tâm bệnh hay không, mà phải thăm khám và test từng trẻ. Việc chữa trị trẻ mắc tâm bệnh, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng thì bố mẹ vẫn đóng vai trò chính. “Không ai có thể gần gũi, yêu thương, hiểu trẻ bằng chính cha mẹ chúng. Vì vậy, chúng tôi trang bị cho họ phương pháp để các bậc phụ huynh giúp con mình hòa nhập với cộng đồng, sự tiến bộ của trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ” - bác sĩ Minh khẳng định.

Được biết, hiện nay khoa Tâm bệnh, BV Nhi T.Ư tư vấn cho các bậc phụ huynh có con nghi mắc tâm bệnh vào sáng thứ Ba và chiều thứ Năm hàng tuần. Phụ huynh sẽ được tư vấn các dấu hiệu nhận biết, cách tiếp xúc, chăm sóc và trị liệu nếu trẻ mắc bệnh.

Nhận biết, chẩn đoán và chăm sóc trẻ tự kỷ

Tự kỷ là căn bệnh không mới, ngày càng có nhiều trẻ mắc hội chứng này. Tuy nhiên, bố mẹ hoặc chưa quan tâm đến con, hoặc thiếu kiến thức nên trẻ mắc chứng tự kỷ không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Tự kỷ là rối loạn phát triển lan tỏa xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ và kéo dài với các dấu hiệu ở 3 lĩnh vực:

Giảm tương tác xã hội: trẻ ít nhìn mắt, ít chỉ tay, ít cử chỉ giao tiếp, không chơi với bạn, gọi ít quay đầu lại, không khoe, không chia sẻ, quan tâm tới người khác; Giảm giao tiếp: chậm nói, nhại lời, phát âm vô nghĩa, nếu nói được lại không biết duy trì hội thoại, giọng nói khác thường, không biết chơi giả vờ; Hành vi bất thường: hành động rập khuôn, cầm lâu một thứ, cuốn hút quá mức với tivi, quảng cáo, logo, sách, chữ, số, bấm nút đồ điện, đi kiễng gót, chạy vòng quanh, nhìn tay, ăn ít nhai…

Những trẻ có nguy cơ cao mắc hội chứng tự kỷ bao gồm: Mẹ mang thai bị nhiễm một số loại virus; khi sinh bị ngạt, sang chấn não, sinh non; khuyết tật tâm thần, tổn thương hệ thần kinh bẩm sinh; các tình trạng nhiễm sắc thể bất thường. Bên cạnh đó, gia đình ít quan tâm, trẻ xem tivi nhiều khiến mức độ tự kỷ của trẻ sẽ nặng thêm, tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân tự kỷ.

Khi trẻ đến khám tự kỷ, các bác sĩ sẽ đưa ra các bước chẩn đoán sau: Khám thần kinh, nội khoa, tâm thần, đánh giá theo DSM-IV; khám răng hàm mặt, tai mũi họng, đo thính lực; test tâm lý. Các bác sỹ chuyên khoa Nhi, Thần kinh, Tâm thần có thể sàng lọc các dấu hiệu để xác định trẻ có mắc tự kỷ không. Khi xác định trẻ mắc tự kỷ, trẻ sẽ được trị liệu hành vi, dạy ngôn ngữ và giao tiếp, trị liệu tâm vận động và điều hòa cảm giác, tự phục vụ, chơi tương tác, kỹ năng xã hội. Các kỹ năng cơ bản dạy trẻ sẽ được thực hiện như, cho trẻ chú ý bằng nhìn, lắng nghe, bắt chước, giao tiếp bằng cử chỉ, chơi phù hợp, hiểu lời, kỹ năng phát âm.

Đối với cha mẹ, cần đưa trẻ đi khám ngay khi phát hiện các biểu hiện nghi ngờ trẻ bị tự kỷ, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, ổn định cho trẻ. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con hơn để tạo tương tác và dạy trẻ phù hợp. Kết hợp với các nhà chuyên môn như bác sỹ nhi khoa, cán bộ tâm lý, giáo viên giáo dục đặc biệt, bác sỹ chuyên khoa tâm thần để có kết quả dạy trẻ tốt hơn. Đặc biệt, mỗi bố mẹ nên ghi nhật ký về diễn biến của trẻ và cách can thiệp để rút kinh nghiệm.

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cũng nên có thái độ dứt khoát với hành vi sai của trẻ, lờ đi khi trẻ ăn vạ, nhưng lại khuyến khích, động viên, khen ngợi với tiến bộ nhỏ nhất của con. Hiện chưa có thuốc chữa khỏi tự kỷ mà chỉ có thuốc điều trị rối loạn đi kèm như tăng động, hung tính, động kinh. Vì vậy, để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng, bố mẹ là người kề vai, sát cánh cùng con, bên cạnh sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế, chuyên gia tâm lý và các thuốc hỗ trợ (nếu cần).

Điều dưỡng trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi T.Ư

Đào Thị Thủy