KTĐT - Không dừng lại ở chuyện kết bạn, cậu học sinh ở quận 1, TP HCM chưa biết làm tính nhân này còn khiến cả lớp phải điêu đứng bởi cách đối xử mang phong cách đại ca.
Mới học lớp 3, Hải đã vỗ ngực khoe với các bạn cùng lớp rằng “nhà tớ giàu nhất, các cậu còn khuya mới sánh kịp”, và để khẳng định đẳng cấp của mình, cu cậu chỉ chọn chơi với các bạn được bố mẹ đưa đi học bằng ôtô.
Không dừng lại ở chuyện kết bạn, cậu học sinh ở quận 1, TP HCM chưa biết làm tính nhân này còn khiến cả lớp phải điêu đứng bởi cách đối xử mang phong cách đại ca.
Đầu năm học, được giáo viên phân chỗ ngồi ở vị trí giữa phòng học, Hải một mực không chịu và đòi đến bàn đầu cho bằng được, để ngồi cùng người bạn có ôtô đẹp. Cô giáo không đồng ý, Hải bảo sẽ nhờ bố mua chỗ ngồi đó cho mình.
Khi giáo viên phân nhóm để học toán, Hải nhất định không chịu cho ba bạn khác vào cùng, vì "nhà các bạn này không có máy vi tính như mình nên không thể thông minh bằng".
Ngang ngạnh không kém Hải, cậu bé Huy, 9 tuổi, con của một giám đốc, nhà ở quận 3, TP HCM, luôn tỏ ra xem thường những người xung quanh.
Đi học về đến nhà, nhìn thấy cô Hà giúp việc lui cui làm bếp, Huy hét to: “Người gì đâu kỳ vậy, chỉ biết xòe tay lãnh lương, làm việc gì cũng không xong. Hôm nào cũng lề mề, Huy bảo bố mẹ đuổi việc cho biết tay”.
Một ngày cuối tuần, mẹ của cô Hà từ quê ghé thăm, bố mẹ yêu cầu khoanh tay thưa, Huy trỏ vào khách nói: “Người gì mà vừa già vừa xấu lại mặc áo rách. Bà ấy chào con mới đúng, sao bắt con chào”. Khi bố mẹ tiếp khách, Huy vô tư đá bóng bay cả vào mặt người lớn.
Không kém hai "cậu trời" nêu trên, Dũng, 11 tuổi, con của một chủ hiệu ăn lớn tại khu Chợ Lớn, quận 5, TP HCM, trở thành cái gai trong mắt của bất cứ ai tiếp xúc với cậu bởi thái độ vô lễ và hống hách. Nói chuyện với tài xế hoặc người giúp việc, Dũng chỉ xưng tên, gọi “ê” mỗi khi cần. Đi dự tiệc, đến siêu thị, Dũng đùa nghịch vỡ đồ, khi được nhắc nhở cậu nhỏ chống tay, hếch mặt phán rằng: “Vỡ thì bồi thường, có gì mà nhiều lời”.
Trước những lời phàn nàn của người xung quanh rằng con mình vô lễ, một vài ông bố bà mẹ cho rằng, họ không dạy con mình như thế. Tuy nhiên cũng có người phớt lờ với lập luận: “Con nít mà, người lớn chấp nhất làm chi”.
Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai - Giám đốc Công ty tâm lý học ứng dụng TP HCM, cho rằng, khi trẻ mắc phải những biểu hiện như trên thì lỗi chính thuộc về người lớn.
"Khi chưa có đủ nhận thức, cách đối xử của trẻ con với người xung quanh thường dựa theo vào hành động của người lớn mà chúng từng chứng kiến. Ví dụ như bố mẹ hay quát mắng người làm trước mặt con; bố mẹ nói về một người cấp dưới bằng giọng bề trên; hoặc phân biệt giàu nghèo, thì các cháu quan sát và học tập ngay", bà Mai nói.
Chính vì thế theo chuyên viên tư vấn, khi trẻ mắc phải tật ỷ giàu "coi trời bằng vung", thì việc đầu tiên là cha mẹ phải tự cân chỉnh hành vi của mình.
Còn theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý học, khoa Tâm lý, trường ĐH Sư phạm TP HCM, khi con có biểu hiện "ông trời nhỏ", phụ huynh cần nhìn lại xem mình có nuông chiều con quá mức hay không.
"Một điều khác nữa, phụ huynh cũng nên để trẻ học bằng phương pháp trải nghiệm với cuộc sống. Tức là phải cho trẻ tham gia nhiều hoạt động để tự ý thức được giá trị đạo đức xã hội, rồi dần thay đổi hành vi", ông Sơn khuyên.