Khi trường chuẩn quốc gia “rớt chuẩn” - Bài 2: Có về đích đúng hẹn?

Trần Oanh - Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu nguồn kinh phí nên nhiều trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) đã đến kỳ công nhận lại cách đây gần chục năm nhưng đành phải “xếp hàng” chờ đầu tư.

Thậm chí có trường được công nhận đạt CQG năm trước, năm sau đã rớt chuẩn.
Công nhận năm trước, năm sau rớt chuẩn

Trong khi toàn TP mới có 48% số trường đạt CQG công nhận mới theo kế hoạch (tính đến đầu tháng 10/2017) thì vẫn còn rất nhiều trường chưa được công nhận lại đạt CQG. Cụ thể, năm 2017, Hà Nội đặt ra chỉ tiêu phấn đấu công nhận lại 182 trường đã đạt CQG. Các quận, huyện sau khi rà soát đã bổ sung thêm 23 trường, nâng tổng thành 205. Tuy nhiên, đã qua hơn 3 quý của năm 2017, mới chỉ có 24 trường nhận được quyết định công nhận lại. Các quận, huyện như Mê Linh, Thạch Thất, Ba Đình, Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn… là những nơi có nhiều trường đã đạt CQG từ năm 2011 trở về trước nhưng chưa được công nhận lại bởi những lý do khác nhau.

Phòng y tế trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Nội) xuống cấp, diện tích không đạt chuẩn. Ảnh Trung Đức

Đối với các trường nội thành, trở ngại lớn và nhiều nhất vẫn là quỹ đất eo hẹp đang diễn ra ở một số trường tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… Mặc dù lãnh đạo quận Ba Đình đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng dự kiến đến cuối năm nay chỉ hoàn thành được 2 trên tổng số 11 trường CQG cần công nhận lại. Phường Liễu Giai, quận Ba Đình còn thiếu 1 trường TH và 1 THCS nên quận phải phân tuyến hợp lý để đảm bảo việc học. Trường THCS Giảng Võ có tới 3.863 học sinh, 73 lớp cao gấp hai lần trường khác. Do quá tải, nên dẫn đến việc trường THCS Nguyễn Tri Phương vừa được công nhận đạt CQG năm trước ngay năm sau đã “vỡ chuẩn”. Lại có trường dự án đầu tư xây dựng đạt chuẩn được phê duyệt cách đây chục năm nhưng khi thực hiện lại vướng từ chính sách vĩ mô đến thực tế; hay trường gặp khó trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Với những quận mới được thành lập như Hoàng Mai, có dân số và số học sinh tăng nhanh dẫn đến thiếu nhiều trường, lớp.

Cứ tưởng các trường ngoại thành - nơi “xông xênh” về quĩ đất chỉ gặp khó khăn về kinh phí đầu tư nhưng không phải vậy. Mặc dù Ứng Hoà là huyện nghèo nhưng được đánh giá có tốc độ phát triển mạnh về trường CQG, đứng thứ 20/30 quận, huyện cũng gặp khó về quỹ đất. Trưởng phòng GD&ĐT Ứng Hòa Bùi Thanh Sơn cho biết, năm 2017, toàn huyện có 8 trường đến thời hạn công nhận lại CQG từ 6 - 9 năm trước. Đến nay, huyện đã có 3 - 4 dự án đầu tư cho các trường sẽ được thực hiện trong vài năm tới. Tuy nhiên, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền và trường Mầm non Thị trấn Vân Đình đang gặp trở ngại về đất rất khó khắc phục.

Thiếu tiền, thiếu đất

Một thực tế đang diễn ra tại Ứng Hòa đó là trường nổi tiếng nhất huyện về chất lượng giáo dục lại thiếu chuẩn về đất.“Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền rộng 3.200m2 nhưng có tới hơn 600 học sinh. Với diện tích này, nếu áp theo tiêu chí CQG thì chỉ 300 em. Nguyễn Thượng Hiền đang được huyện đầu tư nhưng lại dính tiêu chí diện tích đất. Nếu lên tầng 3, tính diện tích sàn chỉ kéo lại được 1.000m2” – ông Bùi Thanh Sơn thông tin và cho rằng, không thể giải bài toán này bằng việc điều chuyển học sinh đến học trường ở xã khác bởi các em phải đi đoạn đường rất xa, không đảm bảo an toàn.

Vì thiếu đất nên học sinh phải học trong những phòng không đạt chuẩn, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với các em. Khảo sát của phóng viên tại trường Mầm non Thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa cho thấy: Ngôi trường được xây dựng từ năm 2005, trên nền đất ao với quy mô 150 cháu. Sau khi xã Tân Phương được sáp nhập vào thị trấn Vân Đình, số học sinh của trường tăng lên gấp đôi. Đến nay qua hai kỳ 5 năm công nhận lại đạt CQG, do không được đầu tư và diện tích đất chật hẹp nên trường bị “nợ chuẩn”. Tại thời điểm này, sân chơi, dọc hành lang – nơi dẫn vào các phòng học có nền gạch bị trũng xuống hình thúng ảnh hưởng đến việc di chuyển của các bé. Hầu hết các phòng học, nhiều chỗ tường bị lở và trần nhà bong tróc. Có nhiều chỗ nền phòng học bị lún sâu, nứt toác đến 5 cm, giáo viên phải nhét xốp vào để các bé không bị vấp ngã. Cô Nguyễn Thị Hường – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi đã dồn nhiều bộ phận làm việc vào một phòng, tận dụng các phòng chức năng nhưng trường vẫn thiếu phòng cho 7 lớp học. Huyện đã vài lần về kiểm tra và trong năm học tới sẽ có kế hoạch nâng cấp sửa chữa 5 phòng học và xây mới một khu hiệu bộ và các phòng chức năng.

Trước thực tế thiếu đất, kinh phí đầu tư để trường đạt CQG, nhiều địa phương kiến nghị TP cấp kinh phí để “cứu” trường “rớt chuẩn”. Tất nhiên, các quận, huyện cũng đề ra kế hoạch thực hiện để làm thay đổi tình hình thiếu trường lớp. Chẳng hạn, quận Hoàng Mai lập kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 xây dựng thêm 14 trường. Tính theo mật độ dân cư, huyện Mỹ Đức còn thiếu ít nhất 4 trường TH. Huyện này đã có đề án và đồng thời kiến nghị TP từng bước xây dựng cơ bản một số trường liên cấp để giải quyết được số học sinh của một số xã hiện còn khó khăn. Huyện Đông Anh cũng đã rà soát chi tiết và có quan điểm từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tập trung cho giáo dục từ nguồn lực đấu giá đất. Hiện, Đông Anh đã có một số dự án đấu giá xây dựng đang đôn đốc thực hiện và 7 trường TH có 1.700 học sinh trở lên sẽ nằm trong kế hoạch tách trường.

Nền nhà sụt lún ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của các con trong một ngày đến trường. Khi nền nhà bị lún, nứt, cô giáo phải chuyển các con dịch lên khiến phòng học đã chật diện tích còn hẹp hơn. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng quan tâm xây dựng phòng học rộng rãi để thuận tiện cho các con được học.

Nguyễn Thị Hòa

Giáo viên lớp 5 tuổi trường Mầm non thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa

Đầu tư xây dựng trường CQG không thể thực hiện bằng nguồn xã hội hóa.Nguồn này chỉ được thực hiện với những hạng mục không phải đầu tư xây dựng cơ bản và người dân muốn đóng góp để có chất lượng hơn. Còn, các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản trong nhà trường, Nhà nước có trách nhiệm phải lo.Chúng tôi đã vận dụng đúng quy định này, nếu không sẽ bị “thổi còi” ngay.
Trưởng phòng GD&ĐT Ứng Hòa
Bùi Thanh Sơn
(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần