Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi VFF đau đầu vì cầu thủ đá láo :Hiện tượng hay bản chất?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian ngắn, các đội tuyển trẻ của VFF đều dính scandal. Đội tuyển U23 thi đấu thiếu tích cực khiến dư luận nổi giận. Đội tuyển U22 hết chuyện cầu thủ bay lắc lại đến cảnh đá láo khiến đội thua hổ thẹn. Nhiều người tự hỏi, đây là hiện tượng nhất thời, hay đây chính là bộ mặt thật của nền bóng đá.

Cạch mặt măng non

 

Sau trận đấu với U23 Thái Lan, ông Đinh Văn Dũng, HLV trưởng đội tuyển U22 Việt Nam đã không thể kiềm chế nổi mình. Trước mặt đại diện các cơ quan truyền thông, nhà cầm quân này không hề giữ ý khi tuyên bố: "Có người muốn phá đội". Thông tin này khiến nhiều người bị sốc bởi chẳng mấy ai nghĩ, một đội bóng trẻ lại có chuyện tày đình đến vậy.

 

Từ ngỡ ngàng đến nghi hoặc, dư luận mới sực nhớ về những  diễn biến bất thường vốn đã song hành với đội tuyển U22 quốc gia. Ban đầu là việc một số cầu thủ trẻ đã vượt rào đi uống rượu ở vũ trường bị giới truyền thông phát hiện. Nhưng, đáng nói hơn cả là việc, một vài cầu thủ chơi thứ bóng đá vô cùng bạo lực ở giải U21 quốc tế. Ban đầu, có người nhận định, các cầu thủ thi đấu quá nhiệt tình, nhưng với những diễn biến ở giải đấu tít tận Campuchia, nhiều chuyên gia đã nghĩ khác. Có vẻ như, các cầu thủ được nuông chiều một cách thái quá nên đã nhờn thuốc kỷ luật. Họ sẵn sàng hành động một cách tự phát mà không cần quan tâm đến hình ảnh và quyền lợi của đội bóng.

 
Hai cầu thủ Văn Dũng và Minh Tùng của đội U22 bị ban huấn luyện cảnh cáo và đề nghị VFF loại vĩnh viễn khỏi các đội tuyển quốc gia vì hành vi phi thể thao. Ảnh: Huy Quang
Hai cầu thủ Văn Dũng và Minh Tùng của đội U22 bị ban huấn luyện cảnh cáo và đề nghị VFF loại vĩnh viễn khỏi các đội tuyển quốc gia vì hành vi phi thể thao. Ảnh: Huy Quang
Cuối cùng, đội tuyển U22 bị loại một cách đáng xấu hổ. Và, phản ứng dây chuyền đã xảy ra. HLV Đinh Văn Dũng đã tuyên bố cạch mặt những cầu thủ có hành vi phá đội. Theo đó, ông Dũng sẽ đề xuất lên VFF từ nay không gọi các cầu thủ này lên đội tuyển quốc gia.

 

Ngàn câu hỏi vì sao?

 

Không thể bào chữ cho những hành vi đi ngược với tôn chỉ cao thượng của thể thao. Nhưng, nhiều người đã đi xa hơn khi đặt câu hỏi, vì sao những thủ lẽ ra phải mang trong mình khát vọng khẳng định bản ngã lại có những hành vi theo kiểu "tự sát"?

 

Lật ngược những trang tư liệu về các đội tuyển trẻ, người ta giật mình khi phát hiện, dường như lối đá "tự sát" đã trở thành truyền thống của các đội tuyển trẻ. Đầu tiên là đội tuyển U19 của HLV Quang Hà thi đấu ở giải U21 quốc tế vài năm trước. Thời điểm đó, đội tuyển U19 đã khiến dư luận bất bình vì lối chơi quá rắn, sẵn sàng xin thẻ để ra sân. Chứng kiến màn trình diễn đó, một quan chức của VFF tuyên bố sẽ không gọi ông Hà lên đội tuyển nữa. Và, mới năm ngoái thôi, tại vòng loại U22 châu Á, các cầu thủ U22 Việt Nam đã có những trận thua đáng xấu hổ. Họ chơi thứ bóng đá cẩu thả và đầy bạo lực. Cuối cùng, U22 Việt Nam đã bị loại với một hình ảnh xấu xí. Hệ quả là đến bây giờ, VFF đã "cạch mặt" ít nhất hai cầu thủ vốn được cho là "chủ mưu" của lối đá "tự sát" làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đội bóng.

 

Và, khi U23 Việt Nam để hòa trong một trận đấu đã dẫn đối phương đến 3 - 1 và đội tuyển U22 thua trước đối thủ mà họ từng đánh bại, giới chuyên môn đang đặt câu hỏi rằng, phải chăng, mọi việc không chỉ dừng lại ở những cái đầu nóng. Có vẻ như người ta rất thích làm suy yếu sức mạnh của các đội bóng. Hay nói cách khác, có ai đó không thích chứng kiến các đội tuyển của Việt Nam thành công?

 

Những câu hỏi trên khiến các nhà lãnh đạo VFF không khỏi đau đầu. Và nếu không sớm tìm được câu trả lời cho thứ bóng đá xấu xí, giàu bạo lực, bóng đá Việt Nam sẽ phải trả giá đắt. Bởi, khi mà không thể tin vào các đội tuyển trẻ thì làm sao đủ sự kiên nhẫn để yêu những đội tuyển lớn. Mà, bóng đá Việt Nam thì đã quá nhiều lần bị tổn thương trong quá khứ.