Khi VFF thủng... lưới

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2016 là một năm đầy sự kiện với bóng đá Việt Nam. Từ đội tuyển trẻ đến đội tuyển lớn, đội tuyển nữ, tuyển futsal đồng loạt ra trận khiến cơ quan quản lý bóng đá không khỏi đau đầu vì chuyện cơm áo gạo tiền.

Rằng vui thì thật là vui

Từ đầu năm đến nay, các đội tuyển quốc gia đồng loạt ra trận. ĐT U23 dự VCK U23 châu Á. Đội tuyển nữ dự vòng loại Thế vận hội, AFF Cup. Đội tuyển U19 dự tranh giải mời tại Myanmar, giải U19 ĐNÁ và tới đây là giải U19 châu Á. U16 dự giải U16 ĐNÁ, tập huấn tại Malaysia và hiện đang có mặt tại Ấn Độ dự tranh sân chơi châu lục. ĐTQG chính thức tập trung hơn 2 tháng với hàng loạt sự kiện trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị cho đấu trường quan trọng nhất trong năm là AFF Cup. ĐT futsal tham dự World Cup và tới đây là AFF Cup.

 Những sự kiện quốc tế liên tiếp phản ánh một năm sôi động và thành công của bóng đá nước nhà.

Những sự kiện quốc tế liên tiếp phản ánh một năm sôi động và thành công của bóng đá nước nhà. Các đội tuyển đã thể hiện được dấu ấn chuyên môn ở đấu trường khu vực. Đặc biệt, các đội tuyển U16, U19, U23, ĐT nữ đều thể hiện được bước tiến dài về chuyên môn khi có vé đến sân chơi châu lục. Vượt xa mong đợi, ĐT futsal lần đấu tiên có vé đến World Cup và đã vượt qua được vòng đấu bảng. Những thành công rất đáng ghi nhận này cho thấy sự hội nhập ngày một chủ động của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế. Các đội tuyển của chúng ta giờ không chỉ quanh quẩn ở sân chơi khu vực mà bắt đầu chuyển hướng mục tiêu ra sân chơi châu Á và thế giới. Dấu ấn này đặt tiền đề cho bóng đá Việt Nam hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai không xa.

Nhưng thủng lưới về... tài chính

Cách đây vài hôm, khi ĐT futsal “vinh quy bái tổ”, Phó Chủ tịch VFF đã ra tận sân bay và trao tấm biển thưởng nóng cho các cầu thủ 1,5 tỷ đồng vì thành tích giành quyền đến vòng 16 đội World Cup. Trước đó, cùng với nhà tài trợ Thái Sơn Nam, VFF đã chi một khoản kinh phí đang kể cho chuyến tập huấn dài này của ĐT futsal. Chưa dừng lại ở đó, các đội U16, U19 và nữ QG cũng đã ngốn một khoản kinh phí cực lớn trong quá trình tập huấn chuẩn bị cho các sự kiện quốc tế. Và dù VFF đã vận dụng khá tốt chính sách đối ngoại nhằm tranh thủ sự trợ giúp từ các đối tác nhưng tổ chức này vẫn phải chi hàng tỷ đồng cho hoạt động của các đội tuyển trẻ.

Thế mới nói, bóng đá Việt Nam không thành công là thảm hoa. Nhưng có được thành công thì người trong cuộc cũng thất điên bát đảo để lo kinh phí duy trì hoạt động. Thật chẳng dễ chút nào.Tới đây, VFF sẽ tiếp tục phải chi số tiền lên đến hàng tỷ đồng cho ĐT U19 tham dự VCK U19 châu Á. Hàng tỷ đồng nữa cũng sẽ được chi cho ĐTQG trong hơn hai tháng chuẩn bị cho AFF Cup. Số tiền này được lấy từ một phần hỗ trợ từ Tổng cục TDTT nhưng ngân quỹ VFF mới chính là nguồn quan trọng nhất. Điều đáng nói là ngân sách từ VFF thì không thể tăng khi các sự kiện quốc tế nhiều hơn. Thậm chí, tổ chức này đang đối diện với khó khăn là những sản phẩm có thể khai thác tài trợ là V.League, Cúp QG, hạng Nhất QG thì đã giao cho VPF quản lý. Miếng bánh ngon nhất là bản quyền ĐTQG thì cũng chỉ mạng đến nhiều nhất là vài chục tỷ đồng trong khi khoản chi cho các sự kiện thường xuyên và đột xuất của VFF lớn hơn thế rất nhiều. Và cái khó là dù có nhiều đội tuyển thi đấu thành công, nhiều sân chơi ý nghĩa nhưng khả năng hút tài trợ, bán vé là vô cùng khó khăn. Đơn cử như giải U19 ĐNÁ vừa rồi dù VFF rất tích cực tuyên  truyền nhưng khán giả vẫn không chịu đến sân và hệ quả là nhà tổ chức đã lỗ một cơ số tiền.