Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi vợ kiếm tiền nhiều hơn chồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc sống sung túc của vợ chồng chị vẫn được bạn bè đưa ra làm mục tiêu phấn đấu, nhưng chị lại bảo “Đắng cay lắm”, bởi tiền ấy đều do chị kiếm về.

Bạn bè ai nấy đều ngạc nhiên, bởi người đời chẳng thường nói “của chồng công vợ”, tiền của ai chẳng được, miễn là thu nhập chính đáng. Nhưng có nghe chị kể mới thấy chuyện không đơn giản vậy.

Lúc lấy nhau, anh chị tay trắng, anh thương con, lo cho vợ từng chút. Sau vài năm anh một mình lo kinh tế, thì giờ đây, các khoản thu chính lại là từ chị, tiền anh kiếm chỉ đủ chi tiêu cho bản thân anh. Nhưng cũng chính từ đó, chị mất dần sự chăm sóc của chồng, anh khó chịu “bắt ne, bắt nẹt” từng cử chỉ đến lời nói. Chị lỡ lời một chút là anh gầm lên: “Phải rồi, cô giỏi...”. “Lẽ ra gia đình là nơi nương tựa, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt nhọc, thì giờ đây, mình cứ phải canh chừng lời ăn tiếng nói, sợ chồng giận” - chị cười buồn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Những người quen biết anh chị lâu đều hiểu, chồng chị là người tốt, chỉ tội “thua vợ một cái đầu” trong việc kiếm tiền. Có lẽ cái ý thức đàn ông quá lớn đã khiến anh tự ti đến quá mức, muốn gồng lên khẳng định mình trước vợ bằng những cách làm tiêu cực. Chị kể: “Hôm rồi, bàn chuyện sửa lại cái nhà cho khang trang, anh nhất quyết không đồng ý. Hai vợ chồng to tiếng và mình thật đau đớn khi người đầu gối tay ấp bên mình quát lên: “Đừng có nhiều lời, gái phải theo chồng, nhân nhượng để cô đè đầu cưỡi cổ tôi à? Không phải cứ xì tiền ra là muốn nói gì cũng được!”.

Qua câu chuyện của chị mới biết, cái cách nghĩ tiêu cực, sự cố chấp của anh đã đẩy gia đình hạnh phúc vào bất hạnh. Buồn nhất là thái độ của anh làm ảnh hưởng đến cả các con. Cũng bởi tâm trạng u uất, không thoát ra được cảm giác tự ti vì thua kém vợ, anh tìm đến rượu để giải sầu. Nhưng do không phải là người uống giỏi, nên chỉ một vài chén là say, là quay ra lăng mạ vợ, chửi mắng con. Cuộc sống gia đình trở nên nặng nề, nên mỗi khi có ai khen rằng gia đình chị thật sung sướng vì kinh tế đầy đủ, con cái đề huề, chị lại thở dài.

Tiền vốn là vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống hôn nhân. Và ai đó đã nói rằng sau khi kết hôn, hãy tập nói “của chúng ta” thay vì “của tôi” như trước đây. Chỉ khi nào nhận thức được như vậy, vợ chồng mới trọn vẹn tin tưởng, thương yêu nhau. Chị bảo, chị cũng hiểu điều tế nhị trong quan hệ vợ chồng là nên cư xử với nhau thế nào nếu một trong hai người có mức thu nhập cao hơn người kia. Đặc biệt, nếu vợ có mức thu nhập cao, hãy để chồng cùng chia sẻ trách nhiệm, có như vậy người chồng mới tự tin, thoải mái và cảm thấy mình được vợ tôn trọng. Và chị cũng đã làm điều ấy, chị không bao giờ cho rằng những đồng tiền chị mang về là công của chị, mua sắm gì chị đều bàn bạc với anh để đi đến sự nhất trí. Chị rất hiểu có anh, có gia đình mới cho chị được cuộc sống hôm nay, nhưng chị cũng không biết làm sao để cho anh hiểu. Chị cay đắng: “Mình rất buồn là anh không bao giờ chịu mở lòng để hiểu rằng, vợ con có trách móc gì anh đâu, chỉ tự anh cứ tự nhận thấy mình “hèn kém”, mất vai trò quan trọng trong gia đình”. Chị cũng rất hiểu cảm giác sĩ diện đàn ông của anh, nên sau những giờ làm việc, chị vẫn đi chợ, cơm nước, chăm sóc con cái... theo đúng những điều anh đã nói: “Nội trợ là việc của đàn bà”. Nhưng đổi lại, cái chị thu được từ chồng không phải là cảm thông mà chỉ là những dằn vặt, mỉa mai bóng gió. Ngay cả đến bữa ăn hàng ngày, anh cũng không để cho gia đình ăn trọn vẹn, vì cứ động đến chuyện gì là anh đã “chụp mũ” ngay câu: “Cô giỏi...”. Chị thẳng thắn bày tỏ với anh quan điểm của mình, rằng tiền vợ, tiền chồng kiếm về không quan trọng, ít hay nhiều cũng không thành vấn đề, thì anh nổi đóa vì nghĩ rằng mình bị xúc phạm, bị coi thường.

Câu chuyện của chị không phải là cá biệt khi không ít người phụ nữ đã và đang khẳng định khả năng của mình ngoài xã hội hôm nay. Nhưng không phải ai khi trở về cuộc sống gia đình cũng có được sự cảm thông từ chồng. “Mình luôn tự hỏi không hiểu mình đã làm gì sai, bởi càng ngày anh càng chìm sâu vào buồn bã vì nghĩ rằng mình thua kém. Anh tỏ rõ sự chán chường, phiền muộn bằng những bữa nhậu thâu đêm suốt sáng. Gia đình đã buồn lại như buồn thêm và mình không hiểu mình còn chịu được bao lâu nữa” - chị nói khiến tâm trạng mọi người chùng xuống.