Khó áp dụng việc nghỉ học thứ Bảy

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Lào Cai - địa phương đầu tiên ở miền Bắc cho học sinh (HS) nghỉ học ngày thứ Bảy, nhiều ý kiến đồng ý được đưa ra.

Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất và chương trình học vẫn là trở ngại lớn khiến phương án này khó thực hiện rộng rãi.
Khó đáp ứng chương trình học
Việc áp dụng cho HS nghỉ học thứ Bảy nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục HS. Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới - GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, chương trình dạy học dựa trên văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước quy định nên HS phải học đủ giờ. So với chương trình giáo dục của nước ngoài, khối tiểu học và THCS ở Việt Nam còn thiếu khoảng 1.500 giờ học. Vì vậy, nếu học 2 buổi/ngày thì HS mới có thể nghỉ thứ Bảy.
 Học sinh trường THCS Chu Văn An, Thanh Trì, Hà Nội trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng
Nghỉ học thứ Bảy là mong muốn của nhiều gia đình công chức Nhà nước vì muốn cho con cái nghỉ ngơi hoặc đi du lịch, thăm họ hàng, ông bà ở xa… Nhưng lại có không ít gia đình làm nghề tự do, ở khu vực nông thôn hay người lao động bình thường phải đi làm nên không muốn con nghỉ học vào cuối tuần.
Nếu nghỉ học thứ Bảy, các gia đình phải thuê người trông nom, đối với HS lớn tuổi hơn, không được quản lý dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, các địa phương đã được giao quyền tự chủ, tự quyết nên cơ sở tự sắp xếp theo quy định của chương trình là đủ số tiết học.
Theo một khảo sát mới đây, ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, từ lớp 1 đến lớp 9, tính trung bình mỗi HS phải học 7.390 giờ/năm. Còn theo Dự thảo của Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam, tổng thời lượng học của HS tiểu học và THCS chỉ đạt 5.909 giờ/năm. Vì vậy, nếu HS nghỉ học ngày thứ Bảy thì phải giảm bớt nội dung so với chương trình các nước để phù hợp với thời gian bị giảm, chương trình sẽ thiếu hụt. Hoặc phải thực hiện tương đối đủ nội dung so với chương trình các nước trong khi số giờ học bị giảm sẽ dẫn đến chương trình học quá tải.
Phần lớn các trường THCS, THPT chỉ có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, do đó lâu nay Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông đã chọn giải pháp tiếp tục bố trí HS học ngày thứ Bảy trong tuần.
Phải đảm bảo kiến thức cho học sinh
Hiện các tranh luận trái chiều chỉ được chú ý ở góc độ thuận lợi hay bất lợi cho sinh hoạt của các gia đình. Trong khi, theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, điều cần quan tâm nhất là nghỉ học thứ Bảy liệu có đảm bảo về chất lượng, thời gian học tập chính thức cho HS? Đối với giáo viên, hầu hết đều tán thành nghỉ học vào thứ Bảy để có thời gian nghỉ ngơi, soạn giáo án…
Nhưng vấn đề bố trí chương trình trong tuần thế nào để tránh việc học dồn tiết vào những ngày trong tuần cũng là vấn đề đáng bàn. Vì vậy, mặc dù đồng tình với chủ trương cho HS nghỉ ngày thứ Bảy nhưng nhiều trường phổ thông e ngại tính khả thi của đề xuất này.
Đơn cử, trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) triển khai học 2 buổi/ngày. Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên nhà trường cho biết, HS đang chịu áp lực vì học nhiều, kỹ năng HS còn yếu, mối liên hệ giữa HS và phụ huynh chưa chặt chẽ.
Các ngày trong tuần đều học từ sáng đến tối, đêm về vẫn phải làm bài tập nên để HS nghỉ vào thứ Bảy là hợp lý. Nhưng để thực hiện được, các trường nên tăng cường học 2 buổi/ngày và nâng cao cơ sở vật chất trường, lớp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ khẳng định, hiện nay nhiều trường đều học 1 buổi/ngày mới đủ lớp, đủ thầy cô dạy và chương trình đang được ổn định, thiết kế học 6 ngày/tuần. Nếu rút ngắn ngày học chỉ có thể áp dụng học 2 buổi/ngày hoặc cắt giảm tiết học. “Dù học 5 hay 6 ngày/tuần vẫn phải đảm bảo đủ kiến thức cho HS phù hợp với lứa tuổi, lộ trình học tập” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Thực tế cho thấy, ngoài thời gian học chính khóa, HS học thêm rất nhiều để theo kịp chương trình, thi cử. Có thể phương án nghỉ học thứ Bảy sẽ được nhiều người ủng hộ nhưng HS sẽ khó đáp ứng chương trình, kiến thức để thi cử. 

"Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều hoạt động giáo dục, vì vậy, nghỉ học thứ Bảy thì HS không được tham gia trải nghiệm. " - Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Quý Thanh