Xin lùi thời gian
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ TT&TT cho phép thống nhất ngắt sóng analog chuyển sang công nghệ số trên địa bàn Hà Nội và Hà Tây (cũ) vào cùng một thời điểm, thay vì 2 giai đoạn như Đề án đã được duyệt. Theo đó, Hà Nội sẽ phát sóng song song analog và kỹ thuật số, đến hết ngày 31/12/2016 mới tắt sóng truyền hình analog trên toàn địa bàn.
Hiện nay, rất nhiều gia đình ở Hà Nội đã sử dụng truyền hình kỹ thuật số. Ảnh: Duy Anh
Theo lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội, nguyên nhân lùi thời gian là vì không kịp chuẩn bị cả về hạ tầng truyền dẫn lẫn công tác hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách. Hiện, địa bàn Hà Nội rất rộng và phức tạp với 7,1 triệu dân và 584 phường, xã. Việc tuyên truyền về lợi ích của truyền hình số tới hơn 7 triệu dân là một khó khăn không nhỏ, chưa kể năm nay, TP chưa bố trí được nguồn vốn hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo do Kế hoạch 02/KH-UBND về triển khai Đề án Số hóa truyền hình, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn TP vừa mới được ban hành đầu năm 2014, T.Ư cũng chưa có hướng dẫn về hỗ trợ.Một lý do nữa, là năm 2013 Hà Nội vừa khánh thành cột ăng ten 250m của Đài PT - TH Hà Nội tại Mễ Trì (Từ Liêm), đang phát sóng truyền hình tương tự, sự kiện có ý nghĩa về kinh tế - chính trị - xã hội đối với người dân Hà Nội và cả 20 triệu dân thuộc 9 tỉnh lân cận. Bà Tú lo ngại: "Việc tắt sóng analog sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyên truyền của Thủ đô tới các tỉnh, chưa kể tác động tới hoạt động kinh doanh của Đài PT - TH Hà Nội".
Lý giải vì sao Hà Nội lại khánh thành cột ăng ten mới trong khi Đề án Số hóa đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội khẳng định, đây là chủ trương của Hà Nội từ năm 2000, công trình được xây bằng vốn ngân sách của TP từ năm 2010. Hà Nội đã xin ý kiến Bộ TT&TT và các cơ quan chuyên môn trước khi triển khai, ở thời điểm đó công trình hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch tần số vô tuyến điện. Cột ăng ten này cũng là hạ tầng dùng chung cho cả Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT - TH Hà Nội. Mặt khác, theo lộ trình, Thủ tướng cũng yêu cầu trong thời gian vận động người dân chuyển sang truyền hình số thì vẫn duy trì truyền hình tương tự để đảm bảo mọi người dân vẫn được xem tivi.
Hỗ trợ đầu thu cho tất cả hộ nghèo
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, Nhà nước sẽ chi 1.710 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách mua thiết bị thu xem truyền hình số khi chuyển đổi sang số hóa. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn quốc gia để hỗ trợ. Còn đối với các địa phương như Hà Nội có chuẩn nghèo riêng thì số hộ chênh lệch sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách của địa phương.
Theo số liệu của Sở LĐTB&XH Hà Nội, TP hiện có gần 85.000 hộ gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo theo chuẩn quốc gia, trong đó 25.454 hộ nghèo, 59.365 hộ cận nghèo. Với mỗi đầu thu có giá 730.000 đồng, tổng kinh phí hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo mua đầu thu truyền hình số trên địa bàn Hà Nội dự kiến là trên 61,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo bà Phan Lan Tú, trong tổng số 61,9 tỷ đồng, sẽ có một phần kinh phí hỗ trợ (khoảng gần 1/2) lấy từ ngân sách của TP để hỗ trợ những hộ nghèo theo chuẩn Hà Nội. Như vậy, tất cả các hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được hỗ trợ mua đầu thu truyền hình số. Cùng với Đà Nẵng, Hà Nội là địa phương thứ hai sẽ chi từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ người nghèo chuyển sang dùng truyền hình số.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2016 sẽ có 60% số hộ gia đình sử dụng truyền hình số mặt đất, đến năm 2017 là 80% và hoàn thành mục tiêu 100% số hộ gia đình thu truyền hình quảng bá thông qua phương thức truyền dẫn số mặt đất vào năm 2020. UBND TP Hà Nội cũng vừa phê duyệt đầu tư 317 tỷ đồng để thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình sang công nghệ số. |