Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó chấp nhận công trình trọng điểm chậm tiến độ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Anh Quý

Trong năm nay, 13 dự án xây dựng cơ bản trọng điểm sẽ phải hoàn thành, nếu không chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thành phố - đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn trong năm 2015. Thực tế hiện nay, các dự án trọng điểm của Thủ đô được triển khai rất chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có GPMB và vốn.

 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại cuộc họp. 	Ảnh: Anh Quý
Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Anh Quý
Gỡ vướng GPMB

Trong số 13 dự án phải hoàn thành năm 2015 theo Nghị quyết 16/2014 của HĐND TP, có đến hơn một nửa công tác GPMB chưa đáp ứng yêu cầu. Một số dự án chậm tiến độ được yêu cầu phải đẩy nhanh trong thời gian tới là: Dự án đường Vành đai I (Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái); Đường Vành đai 2, nút giao thông Bắc Thăng Long - Vân Trì; Dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên được khởi công từ tháng 5/2014, nhưng dự kiến trong tuần này mới ký hợp đồng chính thức… Cùng với các dự án giao thông, 7 dự án trọng điểm khác cũng được yêu cầu hoàn thành trong năm 2015 gồm: Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2; Mở rộng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2; Xây dựng cải tạo Bệnh viện đa khoa Đức Giang; Xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao và giám định công nghệ; 3 dự án thành phần khu Hoàng thành Thăng Long;  2 dự án lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy; 4 nhóm dự án vốn ODA. 
Tất cả 13 dự án trọng điểm đều đặt kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2015. Thời gian còn lại rất ít so với khối lượng công việc cần phải làm.  TP yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tháo gỡ để hoàn thành dứt điểm GPMB trong quý II/2015, sau đó tổ chức thi công xây lắp, thực hiện quyết liệt để hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

Theo thống kê của Sở KH&ĐT, Dự án đường Vành đai 2, trong năm 2014, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải hoàn thành công tác GPMB đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở và đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy. Đoạn tuyến này đi qua địa bàn các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân.... Nhưng hiện nay,  vẫn còn 241/1.600 phương án chưa phê duyệt, chưa bàn giao mặt bằng, trong đó Tây Hồ có 4 phương án, Cầu Giấy có 37, Ba Đình có 169,  Đống Đa có 31 phương án.

Theo Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh, nhiều hộ dân có kiến nghị về việc tính định mức đất ở. Cụ thể như, có những hộ nằm trong diện phải GPMB có diện tích đất phải bàn giao hơn 400m2; nhưng định mức đất ở chỉ cho phép tối đa 120m2. Vì vậy, việc tuyên truyền vận động các hộ này chấp nhận phương án đền bù gặp rất nhiều khó khăn. Còn trên địa bàn quận Đống Đa, lãnh đạo quận kiến nghị, đoạn 720m đầu tuyến (Ngã Tư Sở) phía trái tuyến thuộc địa bàn quận cần bố trí khoảng 350 quỹ nhà tái định cư (TĐC)/tổng 1.100 tỷ đồng GPMB. Nhưng theo kế hoạch xây dựng nhà TĐC dự kiến cuối năm 2015 mới xong, chủ đầu tư đang phối hợp với các ngành trình UBND TP "phương án tự lo TĐC". Đến nay chưa có quyết định chính thức phương án này.

Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các chủ đầu tư, quận, huyện, Ban Chỉ đạo GPMB chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, áp dụng những biện pháp đặc thù có lợi nhất cho người dân, tuy nhiên cũng sẽ cương quyết cưỡng chế với những trường hợp chây ỳ. Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu  Sở Xây dựng và Sở Tài chính khẩn trương xây dựng đề án mua nhà thương mại làm nhà tái định cư. "Đề án này giải bài toán bán được nhà thương mại và thiếu nhà tái định cư cho các công trình trọng điểm trên địa bàn TP" - Chủ tịch UBND TP nói.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, với hạn mức tính giá bồi thường theo đất ở cũng như những vấn đề thuộc về chính sách GPMB, TP đã giao cụ thể cho quận. Tuy nhiên, nếu trên mảnh đất đó, các hộ gia đình đã tiến hành tách hộ, có hộ khẩu, có ăn ở thường xuyên tại đó thì quận xác minh khẳng định và chịu trách nhiệm với TP.

Cương quyết loại nhà thầu yếu

Theo Sở KH&ĐT, để đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án trọng điểm trong năm 2015, ngân sách TP sẽ phải chi trên 6.800 tỷ đồng, trong khi TP mới bố trí được 2.800 tỷ. đồng. Liên ngành Tài chính - Kế hoạch đã nghiên cứu Đề án phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô năm 2015 với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng, đợt phát hành đầu dự kiến quý II/2015, khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, TP sẽ ưu tiên cấp vốn cho các công trình trọng điểm, bởi đây đều là những công trình dân sinh bức xúc giải quyết ùn tắc giao thông, các dự án xử lý rác thải, dự án thoát nước… Để đảm bảo chất lượng công trình trong thời gian tới, khắc phục triệt để tình trạng chậm tiến độ, Chủ tịch UBND TP giao trách nhiệm Sở KH & ĐT, Tài chính, Kho bạc Nhà nước bố trí đủ vốn như đã dự toán từ đầu năm cho các dự án, nếu cần thiết có thể cho phát hành trái phiếu ngay, đảm bảo thanh toán vốn cho chủ đầu tư và nhà thầu để kịp tiến độ thi công; Đồng thời, phải đáp ứng kinh phí bồi thường GPMB cho các quận, huyện và chủ động dự trù kinh phí kể cả khi TP thực hiện mua quỹ nhà tái định cư. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng khẳng định, ngoài nguyên nhân khách quan thì chủ yếu vẫn là thiếu sự chỉ đạo thi công tập trung, quyết liệt, sự đôn đốc kiểm tra trong công tác đầu tư. Tới đây, TP sẽ xem xét rà soát lại cho rõ ràng, những nhà thầu năng lực yếu kém và thiếu vốn, thi công ì ạch có thể sẽ cắt một số hạng mục công trình, thậm chí thay nhà thầu khác.