Thật giả lẫn lộn
Không thể phủ nhận sân khấu cách mạng đã trở thành loại hình nghệ thuật có khả năng truyền tải những nội dung lịch sử. Điển hình là hàng loạt vở diễn tuồng, chèo, cải lương, kịch đã tạo nên "một tập đại thành" về lịch sử được dựng lại trong nhiều màu sắc, từ thời An Dương Vương cho đến thời Hai Bà Trưng, từ thời Ngô Quyền cho đến các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn…
Trong đó, nhiều tác phẩm được hư cấu khéo léo, tạo dấu ấn bền lâu trong lòng công chúng. Nhưng một thực trạng đáng buồn hiện nay lại như nét bút xám quết lên "tập đại thành" kỳ công kia. GS Hoàng Chương nhận định: "Nhiều văn nghệ sĩ và cả công chúng đều băn khoăn trước những câu hỏi "Đâu là hư cấu, đâu là giải thiêng?", "Đâu là lịch sử, đâu là nghệ thuật?".
Một cảnh trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga".
Dường như công chúng rất ít người quan tâm đọc, học và tìm hiểu về lịch sử". Tuy nhiên, nhiều người bức xúc khi thấy ở một số tác phẩm văn học nghệ thuật, hình tượng các vị anh hùng lịch sử được cả dân tộc tôn vinh bị xuyên tạc không phải vô căn cứ. Nhà phê bình văn học Ngô Thảo cho rằng: Vì tư liệu lịch sử không phải thời nào cũng đầy đủ; dã sử, huyền thoại, truyền thuyết trộn lẫn với chính sử. Mà bao nhiêu triều đại hưng vong, phế truất lẫn nhau nên sự đánh giá của lịch sử cũng không đơn giản.
Bởi vậy, ngay cả khi viết về các giai đoạn lịch sử có đầy đủ tài liệu, vẫn còn rộng chỗ cho các tác giả hư cấu, sáng tạo. Nhưng nguy cơ tùy tiện bẻ cong lịch sử, bóp méo diện mạo nhân vật, do trình độ, do nhận thức, do động cơ thực dụng cũng nhiều lần bộc lộ.
Điều này đã từng hiện diện trong những tác phẩm được coi là thành công, được nhiều người yêu mến. Tam bộ khúc chèo "Bài ca giữ nước" của NSND Tào Mạt là một ví dụ. Tác giả đã biến thái sư Lê Văn Thịnh - đại công thần của nhà Lý, thành kẻ phản bội, mưu giết Vua, tàn sát người tài, thông đồng ngoại bang. Việc làm đó đã tạo nên một nghi án lịch sử với bao lớp hậu sinh. Bởi ngay sau đó, đã có một cuộc hội thảo phản đối vở chèo này bằng những chứng tích lịch sử cụ thể. Hay vở "Thái hậu Dương Vân Nga" nổi tiếng đã xây dựng công thần Nguyễn Bặc - người mở mang một dòng họ lớn thành kẻ nối giáo cho giặc xâm lăng.
Đưa vở diễn vào trường học?
Nhìn những vở diễn đề tài lịch sử trình ra trước công chúng cả những cái sai nặng nề kia, trước tiên người ta trách tác giả kịch bản, sau là đạo diễn sân khấu. Song rõ ràng, chẳng riêng gì tác giả, đạo diễn, mà chính các nhà quản lý văn hóa cũng không thật am hiểu lịch sử, chưa tường nghệ thuật truyền thống.
Cho nên, khi duyệt kịch bản, thẩm định vở diễn đã "cho qua" những vấn đề phi lịch sử, thậm chí sai lệch lịch sử. Nghĩa là những sai lệch trong sáng tác nghệ thuật sân khấu về đề tài lịch sử gần như mắc lỗi hệ thống.Giới làm chuyên môn lo lắng nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì những xâm lấn về văn hóa, những trường hợp đáng tiếc của tác phẩm sẽ còn đi về trên sân khấu. Và biện pháp tối ưu được giới chuyên môn đưa ra là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là môn lịch sử.
Hơn nữa, Nhà nước cần đầu tư dựng những vở kịch về đề tài lịch sử một cách chất lượng và quy mô. Sau đó, có chương trình đưa những tác phẩm ấy tới các trường học... Bản thân mỗi văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện không ngừng để có đủ "tâm, tài và tầm" phục vụ công việc sáng tạo nghệ thuật.
Bên cạnh đó, nhiều người trong nghề diễn cho rằng, chế độ, chính sách cho những người làm sân khấu cần được nâng lên, để nghệ sĩ sống được bằng nghề, khi đó họ sẽ toàn tâm, toàn ý lao động nghệ thuật mà không phải tất bật chuyện "cơm áo, gạo tiền".