Khó có chuyện ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động

Quang Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong khi các ngân hàng lớn đều giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới 1 năm thì các ngân hàng vừa và nhỏ vẫn tiếp tục tăng lãi suất huy động nhằm thu hút nguồn vốn trong xã hội.

Lớn hạ lãi suất huy động, vừa và nhỏ tiếp tục tăng.

Vào giai đoạn cuối tháng 9, một sự kiện gây bất ngờ không chỉ trong giới ngân hàng mà cả giới doanh nghiệp đó là việc hàng loạt những ngân hàng cỡ lớn đồng loạt giảm lãi suất huy động ở những kỳ hạn ngắn. Cụ thể, 3 ngân hàng được coi là “tam trụ” ngành hiện nay là Vietinbank, Vietcombank và BIDV đều đồng loạt giảm sâu lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn dưới 1 năm.

Điều này tương đối bất ngờ khi mà chỉ mới tháng 8, các ngân hàng TMCP khác vẫn đang đua nhau tăng lãi suất huy động. Cùng với chu kỳ tín dụng hàng năm đều tập trung vào giai đoạn cuối năm khi mà các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội để chuẩn bị cho giai đoạn tín dụng vào đầu năm sau.

 Mặc các ông lớn giảm lãi suất huy động, các ngân hàng vừa và nhỏ vẫn đua nhau tăng lãi suất (Ảnh minh họa)

Nhiều người kỳ vọng rằng với động thái này của các ngân hàng lớn sẽ mở đường cho các ngân hàng vừa và nhỏ cũng sẽ tiến hành giảm lãi suất huy động theo. Theo NHNN động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các ngân hàng lớn là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tối đa.

Thế nhưng, cũng chỉ có một vài ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động sau đó nhưng cũng chỉ ở 1 vài kỳ hạn và giảm rất nhẹ. Còn đa số các ngân hàng TMCP vừa và nhỏ khác vẫn giữ mức lãi suất huy động của mình nhằm hấp dẫn khách hàng gửi tiền vào. Thậm chí, có những ngân hàng còn tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động như VPBank, OCB, VietCapital Bank hay Eximbank… và hầu hết các điều chỉnh tăng lãi suất của các ngân hàng này nhằm vào các khoản tiền gửi dài hạn trên 1 năm.

Trong báo cáo của NHNN thì mặt bằng lãi suất đối với các gói tiền gửi có kỳ hạn dài trên 1 năm là 6,4-7,2%/năm. Thế nhưng mức lãi suất huy động ở các ngân hàng vừa và nhỏ hiện nay với gói kỳ hạn trên 1 năm lại lên tới 7,6-7,8%/năm.

Như vậy có thể thấy động thái giảm lãi suất huy động ngắn hạn của các ông lớn ngân hàng không những không tạo được làn sóng giảm lãi suất huy động trong thị trường, mà các ngân hàng TMCP còn nhân cơ hội đó mà tăng lãi suất huy động nhằm thu hút nguồn tiền bằng nhiều biện pháp như tăng lãi suất, lãi suất ưu đãi, các hình thức tiết kiệm có thưởng…
Ngân hàng đang cho vay trung và dài hạn quá nhiều
Sở dĩ việc các ngân hàng lớn có thể giảm lãi suất huy động là do việc huy động vốn của ngân hàng vẫn tốt cho dù có giảm lãi suất huy động như tại “tam trụ” ngân hàng. Hơn nữa “tam trụ” ngân hàng cũng chỉ giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn dưới 1 năm, còn các kỳ hạn dài hơn vẫn giữ nguyên. Rõ ràng việc giảm lãi suất huy động ngắn hạn của các ông lớn có liên quan tới các khoản cho vay ngắn hạn của ngân hàng sẽ đến hạn trong giai đoạn đầu năm 2017. Việc giảm huy động ngắn hạn như một động thái để chuẩn bị cho nguồn tiền cho vay ngắn hạn sắp đến hạn thu hồi, cùng với đó là hướng khách hàng vào các gói dài hạn.
 Các ngân hàng TMCP cỡ vừa và nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào các khoản cho vay trung và dài hạn.
Đối với những ngân hàng cỡ vừa và nhỏ, khó có thể áp dụng điều này do nếu giảm lãi suất huy động theo các ngân hàng lớn thì ngân hàng sẽ khó có thể cạnh tranh được với những ông lớn đã có uy tín trên thị trường. Cộng với việc các ngân hàng cũng không được cho vay quá hạn mức tín dụng mà NHNN quy định cho từng ngân hàng, vì vậy các ngân hàng vừa và nhỏ dù có giảm cũng không dám giảm sâu vì có thể sẽ quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường hiện này.

Theo thống kê thì phần lớn các ngân hàng vừa và nhỏ đều đang cho vay trung và dài hạn rất nhiều. Việc cho vay dài hạn đối với các ngân hàng vừa và nhỏ là dễ hiểu vì lãi suất các khoản cho vay trung và dài hạn thường cao hơn cho vay ngắn hạn. Vì vậy với những ngân hàng có quy mô nhỏ thì thu nhập lãi thuần là nguồn thu chính của ngân hàng nên càng phải đẩy mạnh cho vay trung và dài hạn.

Thế nhưng một thực tế là hầu hết nguồn tiền huy động hiện nay đến từ các khoản tiền gửi ngắn hạn, việc lấy nguồn vốn ngắn hạn đem cho vay trung và dài hạn sẽ dẫn tới những hệ quả khôn lường. Những khoản vay trung và dài hạn luôn có tỷ lệ rủi ro cao hơn, cùng với đó là rủi ro thanh khoản, nếu như các khoản huy động đến hạn trả mà tiền thì vẫn đang cho vay chưa thể thu hồi thì các ngân hàng sẽ gặp rắc rối với thanh khoản.

Tiêu biểu những ngân hàng TMCP đang cho vay trung và dài hạn nhiều hiện này như VPBank, BacABank, Techcombank, NCB, Sacombank hay SHB…với các khoản cho vay trung và dài hạn chiếm tới hơn 60% tổng dư nợ cũng chính là những ngân hàng không những không điều chỉnh giảm lãi suất mà còn có chiều hướng tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn dài hạn.

Rõ ràng việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng lớn là một động thái tốt trong bối cảnh mà NHNN đang muốn giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Thế nhưng cũng khó có thể kỳ vọng vào việc hệ thống ngân hàng giảm lãi suất hàng loạt khi mà những ngân hàng vừa và nhỏ vẫn còn đang phụ thuộc rất nhiều vào các khoản cho vay trung và dài hạn.