Khó đạt mục tiêu tái đàn lợn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian tạm lắng, hiện nay dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lại tái phát ở một số địa phương trên địa bàn Hà Nội. Dịch tái phát trong thời điểm giao mùa khiến công tác phòng chống dịch càng khó khăn, phức tạp hơn, ảnh hưởng tới mục tiêu tái đàn lợn của ngành nông nghiệp.

Tái đàn lợn như “đánh bạc”
Năm 2019, DTLCP đã khiến cho hộ ông Đồng Văn Đệ ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức phải tiêu hủy 50 con lợn thương phẩm và lợn nái. Sau một thời gian dài dịch không quay trở lại nhưng gia đình ông vẫn không dám tái đàn, mặc dù trước đó đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại. “Lợn giống đắt trong khi DTLCP vẫn đang diễn biến phức tạp nên tái đàn lợn trong thời điểm này chẳng khác gì đánh bạc” – ông Đồng Văn Đệ tâm sự.
Tương tự, năm 2019, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ phải tiêu hủy gần 4.000 con lợn. Mặc dù ổ dịch cuối cùng xuất hiện ở xã vào tháng 11/2019 nhưng đến nay, tỷ lệ tái đàn lợn của toàn xã mới đạt 40%.
 Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Nguyễn Nga
Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Hoàng Văn Thụ Bạch Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân khiến việc tái đàn lợn còn chậm do lợn giống khan hiếm, giá cao (dao động 3 – 3,5 triệu đồng/con) trong khi giá lợn hơi lên xuống thất thường. Đặc biệt, mới đây trên địa bàn huyện Chương Mỹ xuất hiện một ổ DTLCP tại xã Nam Phương Tiến. Điều này càng làm cho người chăn nuôi hoang mang và không dám tái đàn.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải cho rằng, với tình hình như hiện nay, mục tiêu tái đàn lợn của Hà Nội vào đầu năm 2021 là khó đạt được. Bởi đối với người chăn nuôi, nếu tái đàn lợn ở thời điểm này là quá mạo hiểm.
Ông Bùi Tuấn Khải đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tăng cường khuyến cáo người dân chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời có cơ chế khuyến khích các hộ giữ và tăng đàn nái trong gia đình, bởi muốn phát triển đàn lợn lâu dài, bền vững cần phải có lợn nái để cung cấp con giống. Ngoài ra, có các cơ chế khuyến khích để những trang trại lớn đẩy mạnh tái đàn như hỗ trợ một phần con giống, vật tư thú y, phòng dịch…
Không chủ quan với dịch
Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, vừa qua trên địa bàn TP xuất hiện 2 ổ DTLCP mới tại huyện Đông Anh và Chương Mỹ. Ngay sau khi phát hiện, chính quyền địa phương và lực lượng chuyên môn đã xử lý, khống chế không để dịch lan rộng. Tuy quy mô bùng phát nhỏ nhưng ảnh hưởng tới tâm lý tái đàn của các hộ chăn nuôi.
Chia sẻ về nguyên nhân bùng phát dịch bệnh, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, do virus DTLCP có khả năng tồn tại tới vài năm trong môi trường. Khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ tái bùng phát trở lại. Thời điểm này đang là lúc giao mùa nên dịch càng dễ bùng phát và khó xử lý.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo, người dân cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng DTLCP, tuyệt đối không nên chủ quan với dịch. Bởi để loại bỏ hoàn toàn DTLCP là rất khó, vì hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Ngành nông nghiệp Hà Nội có chủ trương khuyến khích tái đàn ở những hộ chăn nuôi quy mô lớn, trang trại đủ điều kiện phòng dịch. Còn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chuyển đổi sản xuất.
Khi tái đàn phải thực hiện khai báo. Về con giống, người dân mua ở những cơ sở uy tín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Về chuồng trại, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nâng cấp chuồng trại và vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Khi thấy xuất hiện dịch bệnh, cần thông báo ngay với chính quyền và cơ quan chuyên môn để xử lý kịp thời.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính tới thời điểm này, tổng đàn lợn của TP mới đạt 1,3 triệu con (thời điểm trước dịch là 1,9 triệu con),  trong đó có 143.000 con lợn nái (thời điểm trước dịch là 167.000 con).